Thực hư ứng dụng PC- Covid khai thác thông tin SMS, OTT của người dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các cơ quan tham gia thẩm định độc lập đã đánh giá, ứng dụng PC-Covid không thu thập thông tin người dùng ngoài phạm vi chức năng đã mô tả là phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Thẻ thông tin Covid-19 hiển thị màu theo từng địa phương

Thẻ thông tin Covid-19 hiển thị màu theo từng địa phương

PC- Covid không thu thập thông tin

Các cơ quan tham gia kiểm soát về an toàn, bảo mật thông tin của PC-Covid gồm: Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cùng các chuyên gia an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm về các quyền PC-Covid yêu cầu người dùng cần cấp khi sử dụng, Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia (Trung tâm)- đơn vị phát triển ứng dụng khẳng định, PC-Covid luôn có sự tham gia kiểm soát về an toàn, bảo mật thông tin nói chung, kiểm soát về quyền và việc sử dụng quyền nói riêng của các cơ quan chức năng.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, các bên tham gia đánh giá mã nguồn đều thống nhất chưa phát hiện ứng dụng PC-Covid thu thập thông tin người dùng ngoài phạm vi thực hiện các chức năng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, PC-Covid yêu cầu 4 quyền, gồm: quyền sử dụng Bluetooth; quyền truy cập thông báo trên điện thoại cài hệ điều hành Android; quyền sử dụng camera; quyền truy cập ảnh, video, âm thanh và tệp. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia đánh giá độc lập cho thấy, với cả 4 quyền này, PC-Covid không thu thập thông tin SMS, OTT của người dùng.

Ngày 7-10, Google đã duyệt đưa phiên bản 4.0.4, phiên bản mới nhất của ứng dụng phòng chống dịch PC-Covid lên kho ứng dụng. Trước đó, ngày 6-10, phiên bản này cũng được cập nhật trên App Store cho các ứng dụng sử dụng hệ điều hành iOS.

Theo phiên bản mới nhất này, mã QR mặc định trong phiên bản nâng cấp sẽ chỉ quét được bởi ứng dụng PC-Covid, quét bằng các ứng dụng khác hoặc camera điện thoại sẽ chỉ thấy thông tin đã được mã hóa, che bớt các ký tự chứa thông tin định danh người dùng. Điều này nhằm tránh nguy cơ bị lộ thông tin qua ảnh chụp mã QR.

Đặc biệt, đơn vị phát triển ứng dụng cũng để chế độ mặc định trên ứng dụng là mã QR an toàn này. Khi muốn hiển thị mã QR gốc, người dùng chỉ cần chạm nhẹ vào vị trí mã, mã gốc sẽ hiển thị sau đó tự động trở về mã QR mặc định sau 60 giây.

Ngoài ra, tính năng thẻ thông tin Covid-19 tự động đổi màu theo tiêu chí của địa phương đó, hoặc người dùng có thể lựa chọn địa phương, ứng dụng cũng hiển thị loại thẻ tương ứng theo quy định của tỉnh, thành phố dựa trên thông tin khai báo y tế hoặc quét mã QR gần nhất.

Ứng dụng có gặp lỗi?

Chính thức ra mắt ngày 1-10, đơn vị phát triển PC- Covid cho biết sẽ mất khoảng 1 tuần để đồng bộ dữ liệu và sẽ tiếp tục hoàn thiện ứng dụng này. Từ đó đến nay, ứng dụng cũng liên tụ được cập nhật, tuy nhiên tính năng thẻ Covid-19 thì chưa hoàn thiện.

Đáng chú ý, thông tin tiêm chủng của nhiều người dùng hiển thị chưa chính xác sau lần cập nhật ngày 6-10. Cụ thể, có người tiêm 2 mũi trước đó được cập nhật đủ nhưng sau ngày 6-10, bỗng nhiên thông tin tiêm chủng trả kết quả chưa có mũi nào.

Chị Nguyễn Thanh Tân ( Hà Nội) cũng phản ánh: "Cơ quan tôi bắt quét mã QR mỗi lần đến, tôi thực hiện và đi làm đầy đủ các ngày trong tuần. Nhưng tối 7-10, sau khi kiểm tra lịch sử nơi đến trên ứng dụng, tôi thấy việc quét mã dừng lại ở mốc 30-9. Nếu dữ liệu ở cơ quan cũng ghi nhận như vậy và trừ lương nhân viên vì không đi làm đủ căn cứ trên dữ liệu này, tôi phải làm thế nào?".

Trong khi đó, một số người dùng khác cho rằng PC- Covid đã ra mắt quá vội vàng. Người dùng còn thấy khi khóa máy, biểu tượng PC- Covid hiện ở góc trái trên điện thoại, nhưng chữ hiện trên màn hình lại thông báo "Bluezone hiện đang cập nhật...". Dù được phát triển từ Bluezone, song với các tình huống này, người dùng cũng thấy e ngại.

Tính đến hết ngày 6-10, ứng dụng PC-Covid đã có gần 50,4 triệu lượt tải và hơn 25,4 triệu người dùng thường xuyên. Top 10 địa phương có tỷ lệ người dùng PC-Covid trên dân số cao hơn cả là Bình Dương, Bắc Ninh, TP.HCM, Quảng Ninh, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang và Bình Phước.