Thu hút sự quan tâm, ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Sáng 28-11, Hội Luật quốc tế Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo đại hội

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đại biểu dự Đại hội

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đại biểu dự Đại hội

Nâng cao vị thế đất nước

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: “Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta ngày càng phát triển, tham gia vào nhiều định chế quốc tế, hội nhập kinh tế sâu rộng, vị thế không ngừng được nâng lên. Chúng ta cùng thực hiện các điều ước, cam kết trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng đông đảo của giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế Việt Nam và của đất nước”.

Do đó, việc thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam cho thấy sự bắt nhịp với xu hướng phát triển của các hội luật quốc tế của nhiều nước, góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói khoa học - pháp lý của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học pháp lý quốc tế vì mục tiêu hòa bình, công lý, hữu nghị và phát triển. Theo Phó Thủ tướng Thường trực, tình hình thế giới có nhiều thay đổi khó lường, căng thẳng địa - chính trị, tranh chấp thương mại, đầu tư... ngày càng tăng lên, Hội Luật quốc tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực. Hội đã tự khẳng định và nâng cao uy tín trong các vấn đề pháp lý quốc tế.

Quy tụ, tập hợp được đông đảo các học giả, các nhà quản lý và thực hành pháp luật quốc tế, bước đầu xây dựng quan điểm của các học giả Việt Nam về vấn đề Biển Đông, an ninh phi truyền thống, tranh chấp kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế... qua đó, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước ủng hộ lập trường chính nghĩa của chúng ta. Hội đã góp phần quan trọng vào việc phát triển khoa học pháp lý quốc tế tại Việt Nam thông qua việc xuất bản ấn phẩm “Luật quốc tế và những vấn đề thực tại Việt Nam”. Đưa được nhiều hoạt động nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó thành viên Hội đã được lựa chọn để tham gia vào các cơ quan nghiên cứu pháp luật quốc tế và tài phán quốc tế của Liên Hợp Quốc.

Thông qua các hoạt động, Hội không chỉ giúp các thế hệ sinh viên Việt Nam có cơ hội cọ xát, nâng cao kỹ năng tranh tụng, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế, mà còn góp phần bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ luật gia, luật sư của Việt Nam am hiểu sâu về luật pháp quốc tế cũng như khả năng làm việc cho giai đoạn hội nhập sắp tới, trong đó có các thành viên của Hội được cử làm Trọng tài viên Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA).

Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc

Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn Hội Luật quốc tế Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước, bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như hòa mình vào sự phát triển chung của cộng đồng pháp luật quốc tế.

Tuyên truyền, phổ biến hiểu biết về pháp luật quốc tế trong các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và tích cực tham gia xây dựng quan điểm của Việt Nam tại các thiết chế pháp lý quốc tế. Hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình trong các vấn đề quốc tế, nhất là tại các cơ quan tài phán quốc tế. “Nước ta đang hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều điều ước, cam kết quốc tế, rất cần những tổ chức quốc tế như là Hội Luật quốc tế Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi của đất nước.

Nếu chúng ta có những chuyên gia giỏi tham gia vào các tổ chức quốc tế sẽ phát huy tốt, vừa nâng cao vừa bảo vệ quyền, lợi ích đất nước. Đồng thời, làm tốt công tác tư vấn cho Chính phủ trong hội nhập quốc tế, xây dựng các khung khổ pháp lý, tham gia tư vấn cho Chính phủ trong giải quyết vấn đề tranh chấp quốc tế” - Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.