Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục đầu tư, phát triển công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 15-1, Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề: “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội. Tổng Bí thư Tô Lâm đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu dự Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu dự Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao Bộ TT-TT đã tổ chức diễn đàn có ý nghĩa này ngay sau Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tổng Bí thư cho rằng, bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, chúng ta có thể phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy xây dựng sáng tạo và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững, xã hội số toàn diện, tiên tiến và bản sắc.

Tổng Bí thư gợi mở một số những nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam trong giai đoạn tới như: phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh và đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, đặc biệt là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, công nghệ nano, công nghệ thông tin di động 5G, 6G, công nghệ vũ trụ, không gian.

Tổng Bí thư cũng khẳng định phải tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng số; đào tạo, thu hút nhân tài, hợp tác quốc tế…

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số có thể giúp Việt Nam giải “bài toán” tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng, không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm.

“Make in Việt Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. “Chiếc nỏ thần” bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Theo Bộ TT-TT, qua 5 năm triển khai, “Make in Viet Nam” đã được cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số hưởng ứng mà đã tạo hiệu ứng tích cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực khác; cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, định hướng sáng tạo, sản xuất các sản phẩm chất lượng của người Việt cho thị trường trong nước và định hướng toàn cầu.

Các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và đi ra thị trường nước ngoài.

Giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu người vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.