31 điểm mới trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Chiều 13-11, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều quy định mới rất đáng chú ý…

Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 13-11

Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 13-11

Kết quả biểu quyết bằng phiếu điện tử tại Quốc hội cho thấy, 93,36% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), gồm VIII chương, 76 điều.

Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2022. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vừa được thông qua có đến 31 điểm mới thuộc 08 nhóm nội dung lớn.

Đáng chú ý, Luật có những quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn về bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng…

Các quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được quy định rõ và chặt chẽ hơn trong luật. Chẳng hạn: người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

Đồng thời, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký Hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc Hiệp định tránh đánh thuế hai lần...

Đặc biệt, ngoài các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tại Luật sửa đổi lần này chỉ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Trước đó, một số ĐBQH tán thành quy định cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh - cụ thể là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập – được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Tuy nhiên, báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, vấn đề này hiện nay đang được Chính phủ thực hiện thí điểm với số lượng còn rất ít cả về số địa phương thực hiện, số lượng lao động đưa đi, số nước tiếp nhận, làm việc chủ yếu theo mùa vụ, mô hình thực hiện cũng khác nhau, thời gian thí điểm ngắn và chưa được tổng kết, đánh giá.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc tiếp tục thí điểm phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai thí điểm để kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan và xin phép Quốc hội không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Cũng trong chiều nay, 13-11, Quốc hội đã thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế với tỷ lệ 95.02% tổng số ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành.