|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ phát động Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Phiên thảo luận về cuộc chiến chống đói nghèo tại Hội nghị thượng đỉnh G20 |
Nhiều thách thức toàn cầu
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 19 đã diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-11 tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil với sự tham dự của các nhà lãnh đạo những nền kinh tế lớn nhất thế giới để bàn về những thách thức toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt. Với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng lãnh đạo các quốc gia khách mời đã tập trung trao đổi về chống đói nghèo, phát triển bền vững - chuyển đổi năng lượng và cải tổ các thể chế quản trị toàn cầu.
Có thể nói Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 diễn ra trong bối cảnh có nhiều căng thẳng địa chính trị; tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng tới môi trường an ninh và phát triển chung của thế giới cũng như mỗi quốc gia. Các điểm nóng xung đột ở nhiều nơi tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và chưa thấy giải pháp. Kinh tế thế giới dù được cải thiện từ năm 2024 tới nay song chưa nhanh, ổn định, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Đáng chú ý, sự chia rẽ giữa các nước phương Tây và các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, đã đang làm thay đổi trật tự thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phát biểu tại hội nghị đã nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong bảo vệ trật tự quốc tế và cam kết hỗ trợ các nền kinh tế Nam bán cầu thông qua những sáng kiến hợp tác và giảm rào cản thương mại. Ngược lại, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang có xu hướng quay về chính sách “Nước Mỹ trước tiên” với các biện pháp bảo hộ thương mại có thể tạo ra thách thức cho hệ thống thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tới tương lai của các tổ chức đa phương và làm suy yếu các cam kết chung.
Cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và xung đột ở Ukraine cũng được nhắc đến trong tuyên bố chung của G20, với cam kết mạnh mẽ về việc thúc đẩy ngừng bắn và bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là trong G20 cũng có những quan điểm chia rẽ về vấn đề Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, trong khi một số lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản đối hướng đi này.
Một trong những vấn đề nổi bật nhất tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 là tình trạng phân biệt khoảng cách giàu nghèo trên thế giới. Thế nên, Hội nghị mở đầu với lễ phát động Liên minh toàn cầu chống đói nghèo cùng danh sách các nước sáng lập, trong đó có Việt Nam; và phiên thảo luận về cuộc chiến chống đói nghèo. Các nhà lãnh đạo G20 đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công cuộc xóa đói nghèo, thúc đẩy phát triển bao trùm, đồng thời thảo luận về sự cần thiết thúc đẩy các giải pháp tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước thu nhập thấp để triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo.
Đóng góp trách nhiệm, tích cực, hiệu quả của Việt Nam
Đây là lần thứ năm Việt Nam được mời tham dự một Hội nghị thượng đỉnh G20 để tham gia vào việc trao đổi, bàn bạc và giải quyết các thách thức toàn cầu. Việc Việt Nam thường xuyên được mời tham dự các Hội nghị thượng đỉnh của G20 đã khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và khu vực, đồng thời khẳng định đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các thách thức toàn cầu, phát huy ưu thế của Việt Nam trong các nội dung có thế mạnh và kinh nghiệm.
Điều đó thể hiện rất rõ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil năm nay. Phát biểu tại phiên thảo luận về cuộc chiến chống đói nghèo diễn ra đầu tiên sau khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật những thành tựu, kinh nghiệm của Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; đồng thời đưa ra những đề xuất quan trọng trong cuộc chiến còn không ít khó khăn, thách thức này trên thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ nước ta kêu gọi các nước cần có quyết tâm chính trị cao hơn, nguồn lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn cho các chương trình, dự án cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, xóa đói nghèo không chỉ có ý nghĩa nhân văn cao cả, mà còn là một trong những nền tảng quan trọng nhất, tác động trực tiếp tới bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định trên toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật những thành tựu của Việt Nam như một hình mẫu thành công trong xóa đói giảm nghèo. Theo đó, từ một nước nghèo đói, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau gần 40 năm chiến tranh, 30 năm bị bao vây cấm vận, Việt Nam với đường lối đổi mới đã đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, đi đôi với khắc phục thiếu hụt về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, môi trường sống. Việt Nam vì thế đã về đích sớm 10 năm trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 58% vào đầu những năm 1990 xuống khoảng 1,9% năm 2024. Việt Nam đã vươn lên thuộc nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhất là lúa gạo. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025, về đích trước 5 năm so với mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nước ta đã đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu. Đó là, bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển là điều kiện tiên quyết để xóa đói nghèo và phát triển bao trùm; bảo đảm hệ thống nông - lương toàn cầu hiệu quả, ổn định, thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu là nền tảng lâu dài; và bảo đảm đầu tư cho con người, lấy giáo dục đào tạo, an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt cho xây dựng xã hội hài hòa bao trùm, bền vững. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực cho phát triển bền vững; ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách thiết thực, khả thi, hiệu quả cho xóa đói, giảm nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Kết thúc phát biểu ấn tượng, Thủ tướng trích dẫn đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch” để khẳng định Việt Nam cam kết đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế chặt chẽ, đóng góp tích cực, hiệu quả vào nỗ lực chung xây dựng một thế giới không còn đói nghèo lâu dài, một thế giới bền vững. Những chia sẻ, đóng góp trách nhiệm, hiệu quả, thiết thực của Việt Nam trong cuộc chiến chống đói nghèo - một thách thức lớn toàn cầu hiện nay, đã được các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 hoan nghênh và bày tỏ đồng tình, đánh giá cao.