Thỏa thuận Minsk, lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga?

ANTD.VN -  Khi các nhà lãnh đạo thế giới tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, Thỏa thuận Minsk 2015 đang được nhắc đến như một cách khả dĩ để thoát khỏi căng thẳng hiện nay. Nhưng do thỏa thuận có lợi cho Nga, phương Tây đề cập đến nó một cách thận trọng.

Thỏa thuận Minsk ra đời sau một cuộc gặp hiếm hoi giữa các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp vào tháng 2-2015 nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 10 tháng ở khu vực miền Đông Ukraine

Khi đó, phe ly khai ở vùng Donbass của Ukraine thành lập Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR). Chính phủ Ukraine khẳng định hai khu vực trên thực tế là do Nga hậu thuẫn.

Kết quả là Minsk II đã được ký kết bởi đại diện của Nga, Ukraine, các nhà lãnh đạo ly khai và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE). Sau đó, nó đã được thông qua trong một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo thỏa thuận, OSCE - một tổ chức an ninh gồm 57 thành viên, bao gồm cả Mỹ và Canada, thực hiện giám sát tiền tuyến. Báo cáo sau đó cho thấy, có ít giao tranh và ít thương vong hơn so với năm 2014-15. Từ góc độ đó, ít nhất, thỏa thuận đã được thực hiện một phần.

Tuy nhiên, vẫn có 1,5 triệu người phải di tản trong nội bộ Ukraine và gần 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Đáng nói, Nga đã tham gia ký kết nhưng vai trò của nước này trong cuộc xung đột không thể hiện. Thật vậy, từ “Nga” không xuất hiện ở bất cứ đâu trong văn bản.

Điều đó cho phép Điện Kremlin nói rằng họ chỉ đơn thuần là một quan sát viên và thỏa thuận muốn đàm phán thực hiện phải là giữa chính phủ Ukraine và phe nổi dậy ở miền đông nước này

Ngoài ra, Nga và Ukraine có cách diễn giải khác nhau về lộ trình chính trị đối với miền Đông Ukraine. Những nỗ lực của các nhà ngoại giao phương Tây nhằm thu hẹp bất đồng này đã không đi đến đâu.

Nhưng tại sao Tổng thống Nga Vladimir Putin lại coi trọng thỏa thuận Minsk? Nếu diễn giải theo hướng có lợi cho Matxcơva, đó có thể là cách giúp Nga duy trì ảnh hưởng ở Ukraine thông qua các nhóm ở Donbass.

Nó sẽ cung cấp cho Nga khả năng kiểm soát lãnh thổ mà không cần phải sáp nhập giống như bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Vấn đề phức tạp hơn nữa, Nga đã cấp hộ chiếu cho hàng trăm nghìn cư dân của Donbass, nên họ có thể tạo ra tiếng nói trong các vấn đề quốc gia của Ukraine.

Trong khi Tổng thống Vladimir Putin coi trọng thỏa thuận này vì có nhiều điều khoản có lợi cho Nga, thì lãnh đạo phương Tây đề cập đến nó một cách thận trọng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi Thỏa thuận Minsk là bước tắt hứa hẹn nhất để ngăn chặn xung đột. Hôm 8-2, ông nói rằng thực hiện thỏa thuận là giải pháp duy nhất xây dựng hòa bình và ổn định chính trị trong khu vực

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 7-2 cũng khẳng định ủng hộ các thỏa thuận Minsk là hướng giải quyết xung đột. Nhưng ông cũng ám chỉ rằng, đó không phải là giải pháp một cửa và vẫn có những thách thức

Nói về các bước mà các bên cần thực hiện, ông Blinken nói: “Ukraine đang tiếp cận vấn đề này một cách thiện chí. Chúng tôi chưa từng thấy Nga làm như vậy”.