Cánh cửa đàm phán tháo “ngòi nổ” Ukraine vẫn để ngỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù chưa đạt được tiến triển mang tính đột phá song cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy cánh cửa đàm phán chưa hoàn toàn đóng chặt, các bên vẫn có cơ hội giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Ngòi nổ” Ukraine

Những thông tin mới nhất cho thấy, đang có những đánh giá khác nhau của “người trong cuộc” về kết quả cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này phần nào phản ánh sự phức tạp của cuộc khủng hoảng Ukraine, một “ngòi nổ” nguy hiểm trong mối quan hệ đang căng như dây đàn giữa Nga với phương Tây, đặc biệt là NATO do Mỹ đứng đầu, đe dọa không chỉ hòa bình và an ninh ở châu Âu mà có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường cho sự ổn định trên toàn cầu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Thủ đô Matxcơva để hội đàm thượng đỉnh với người đồng cấp chủ nhà Vladimir Putin trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng leo lên những nấc thang dễ bùng nổ thành cuộc xung đột lớn. Mỹ và đồng minh NATO cáo buộc Nga đã triển khai hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine, chuẩn bị cho cuộc tấn công vào nước này. Tuy nhiên, Nga nhiều lần bác cáo buộc mà Mátxcơva cho là “vô căn cứ” này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo sau hội đàm thượng đỉnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo

sau hội đàm thượng đỉnh

Cùng với những hình ảnh cho thấy các vũ khí, khí tài hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400… của Nga xuất hiện gần biên giới với Ukraine, Nga cũng tiến hành hoặc tuyên bố tiến hành liên tiếp các cuộc tập trận trên bộ và trên Biển Đen. Giới chức cấp cao của Nga tuyên bố thẳng thừng rằng, Matxcơva sẽ hành động quyết liệt, cứng rắn nếu NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông, kết nạp thêm Ukraine.

NATO và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cho rằng, Nga hiện đã triển khai hơn 100.000 quân dọc biên giới với Ukraine cùng một số lượng lớn vũ khí, khí tài hạng nặng và số lượng này lớn hơn so với năm 2014. Đây là năm Matxcơva tiến hành một chiến dịch chớp nhoáng sáp nhập bán đảo Crimea lúc đó thuộc Ukraine vào lãnh thổ nước Nga sau khi triển khai một lực lượng quân sự lớn.

Đáp lại việc triển khai quân sự của Nga, Mỹ cùng các đồng minh NATO cũng liên tục “điều binh” tới các khu vực gần biên giới với Nga, động thái được cho nhằm răn đe Matxcơva. Mỹ thời gian gần đây đã liên tục triển khai các khí tài quân sự, bao gồm cả tên lửa chống tăng hiện đại, trị giá hàng trăm triệu tới Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã ra lệnh triển khai gần 3.000 binh sĩ đến Ba Lan và Rumania với tuyên bố “nhằm bảo vệ tốt hơn cánh phía đông của NATO”.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng ngày 7-2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên sau khi nhậm chức cũng tuyên bố hai quốc gia đồng minh này sẽ đảm bảo các lệnh cấm vận nhanh chóng được áp đặt nếu Nga tấn công Ukraine và “sẽ gây tổn thất rất cao cho Nga”. Nhà lãnh đạo Đức cho biết, sẽ điều 350 binh sĩ đến Lithuania, quốc gia thành viên NATO giáp biên giới nước Nga ở phía Bắc.

Cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng tăng nhiệt chẳng khác nào một “ngòi nổ” nguy hiểm có thể kích hoạt một cuộc xung đột quy mô lớn không chỉ giữa Nga và Ukraine mà còn lôi kéo sự tham gia của liên minh quân sự hùng mạnh NATO. Cuộc xung đột quân sự này nếu bùng nổ và vượt tầm kiểm soát, khó ai có thể lượng định được phạm vi, đặc biệt là hệ lụy khôn lường mà nó gây ra với hòa bình và an ninh ở châu Âu cũng như ổn định chiến lược trên toàn cầu.

“Lằn ranh đỏ” cuối cùng

Cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống chủ nhà Vladimir Putin trong bối cảnh đó được dõi theo với sự quan tâm sâu sắc cùng kỳ vọng góp phần tháo “ngòi nổ” hoặc chí ít cũng giúp “hạ nhiệt” cuộc khủng hoảng Ukraine. Những thông tin đầu tiên được đưa ra ngay sau cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Pháp và Nga cũng mang lại những tín hiệu lạc quan, tích cực.

Lên tiếng ngay sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Kiev - chặng dừng chân trên đường trở về Pháp sau cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Nga, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, ông “đã thấy hướng giải quyết căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine”. Nhà lãnh đạo Pháp còn nhấn mạnh thêm, hiện có khả năng thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cũng như “những giải pháp thực tế và chắc chắn” nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Matxcơva và phương Tây.

Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, cuộc gặp giữa ông và hai Tổng thống Nga và Ukraine trong hai ngày liên tiếp 7 và 8-2 “đã tạo bước tiến trong nỗ lực ổn định khu vực” bởi theo ông, các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đều cam kết tôn trọng thỏa thuận Minsk trong giải quyết căng thẳng hiện nay. Điều quan trọng nhất, ông Emmanuel Macron cho biết, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định “không đứng sau bất cứ hành động nào gây thêm căng thẳng trong khu vực”.

Thế nhưng, tia hy vọng vừa lóe lên đã mờ đi bởi tuyên bố ngay sau đó từ Mátxcơva. Điện Kremlin cùng ngày 8-2 đã lập tức “bác” thông tin cho rằng Tổng thống Emmanuel Macron và Tổng thống Vladimir Putin nhất trí giảm leo thang căng thẳng về vấn đề Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, không có bất kỳ bước đi hữu hình nào về giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Điện Kremlin khẳng định rõ, “không có chuyện Tổng thống Vladimir Putin cam kết với người đồng cấp Pháp rằng Nga sẽ không có động thái quân sự mới xung quanh Ukraine”. Như để minh chứng thêm cho lập trường cứng trong cuộc khủng hoảng này, Nga cùng ngày 8-2 đã tuyên bố điều động 6 tàu chiến từ Địa Trung Hải đến Biển Đen để tham gia các cuộc tập trận hải quân.

Lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine không dễ mở ra “thênh thang” chỉ sau một chuyến công du trung gian hòa giải của Tổng thống Pháp. Nút thắt cốt lõi cho cuộc khủng hoảng này là chiến lược “Đông tiến” của NATO mà “điểm đến” tiếp theo liên minh quân sự này đang nhắm tới là kết nạp Ukraine làm thành viên thứ 31.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần khẳng định, việc NATO kết nạp Ukraine hoặc triển khai vũ khí đến nước này là “lằn ranh đỏ” mà Matxcơva sẽ “không bao giờ cho phép phương Tây vượt qua bởi nó là mối đe dọa quá lớn tới an ninh quốc gia Nga”. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, nước Nga “không còn đường lui” bởi từ đó NATO có thể “triển khai tên lửa bắn tới Matxcơva chỉ sau 4-5 phút” và đó là “lằn ranh cuối cùng mà họ không thể vượt qua được nữa”.

NATO dừng lại hay vượt qua “lằn ranh đỏ” cuối cùng mà Nga đặt ra? Ai cũng có thể thấy hậu quả khôn lường với không chỉ châu Âu mà toàn cầu nếu cuộc khủng hoảng Ukraine vượt tầm kiểm soát. Tuy nhiên, cả Nga và NATO do Mỹ đứng đầu đều không dễ gì xuống thang hay nhân nhượng vào lúc này. Trong bối cảnh đó, chuyến công du Nga của Tổng thống Pháp hay sắp tới là của Thủ tướng Đức, dù chưa giúp lay chuyển được lập trường nguyên tắc của cả hai bên, song cũng góp phần để ngỏ chứ không đóng sập cánh cửa đối thoại trong tiến trình gian nan tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine.