'Thợ săn radar' AGM-78 Standard 'vượt trội Shrike' chẳng thể khuất phục phòng không Việt Nam

ANTD.VN - Bộ đội Phòng không Việt Nam đã giành chiến thắng trước "Thợ săn radar" AGM-78 Standard do Mỹ chế tạo với tính năng kỹ chiến thuật được đánh giá vượt xa loại AGM-45 Shrike thế hệ trước.

"Thợ săn radar" AGM-78 Standard ra đời sau khi Mỹ nhận thấy tên lửa chống radar thế hệ trước là AGM-45 Shrike bộc lộ nhiều hạn chế như đầu đạn nhỏ, tầm bắn ngắn, hệ thống dẫn đường kém tin cậy và đặc biệt là đã bị phòng không Việt Nam tìm ra cách đối phó.

AGM-78 Standard có xuất xứ rất đặc biệt khi Hải quân Mỹ yêu cầu tập đoàn công nghiệp quốc phòng General Dynamics chế tạo một biến thể tên lửa chống radar từ tên lửa phòng không RIM-66 SM-1, để trang bị cho các máy bay tiêm kích chiến thuật.

Quá trình thiết kế phiên bản chống radar của tên lửa phòng không RIM-66 được khởi động trong năm 1967 và hoàn thành rất nhanh sau đó để trang bị cho chiến đấu cơ của hải quân.

Phiên bản đầu tiên của tên lửa AGM-78 Standard mang ký hiệu A1 Mod 0 thực chất chính là biến thể phóng từ trên không của RIM-66 với đầu thu sóng radar thụ động lấy từ AGM-45 Shrike gắn phía trước.

Đến năm 1969, phiên bản AGM-78B mới thực sự là một tên lửa mới với đầu dò băng thông rộng, cho phép tấn công đa dạng mục tiêu trong khu vực lớn hơn nhiều, đồng thời không phải thực hiện các thao tác chuẩn bị trước khi thực hiện phi vụ.

Thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tên lửa chống radar AGM-78 Standard bao gồm chiều dài 4,57 m; sải cánh 1,08 m; đường kính 0, 343 m; trọng lượng phóng 620 kg, mang theo đầu đạn nặng 97 kg.

Động cơ phản lực Aerojet Mk 27 Mod 4 giúp tên lửa chống radar AGM-78 đạt tới tốc độ tối đa Mach 1,8; tầm bắn 90 km. So sánh với AGM-45 Shrike thì loại đạn thế hệ cũ chỉ có tầm bắn 40 km, tốc độ lớn nhất Mach 1,5 và mang theo đầu đạn 67 kg,.

Cải tiến lớn nhất của tên lửa AGM-78 Standard khi cạnh AGM-45 Shrike đó là nó được trang bị một bộ vi mạch đặc biệt, cho phép nhớ vị trí đài radar và tấn công chính xác sau khi đã khóa mục tiêu, bất chấp việc đài phát đã tắt máy.

Trong giai đoạn từ năm 1967 cho đến năm 1976 đã có trên 3.000 quả tên lửa chống radar AGM-78 Standard xuất xưởng, chủ yếu trang bị cho các chiến đấu cơ của Hải quân Mỹ.

Tên lửa AGM-78 có một số biến thể đặc biệt như AGM-78C mang đầu đạn đánh dấu mục tiêu bằng photpho trắng, hay AGM-78D lắp thêm đầu dẫn quang học độ phân giải cao và trọng lượng đầu đạn nâng lên 100 kg.

Ban đầu tên lửa chống radar AGM-78 Standard là vũ khí dành riêng cho cường kích hạm A-6B/E Intruder của Hải quân Mỹ, nhưng sau đó nó đã được tích hợp cho cả chiến đấu cơ F-105F/G Thunderchief và đặc biệt là F-4G Phantom II thuộc Không quân Mỹ.

Khi tham chiến tại Việt Nam, mặc dù là một loại tên lửa chống radar mới hoàn toàn và có tính năng kỹ chiến thuật cao cấp hơn rất nhiều, nhưng AGM-78 Standard vẫn bị bộ đội ta gọi bằng cái tên chung là Shrike.

Trong các phi vụ "Wild Weasel" và đặc biệt là chiến dịch Linerbaker II huy động pháo đài bay B-52 đánh phá miền Bắc tháng 12/1972, tên lửa AGM-78 Standard mặc dù rất đáng sợ nhưng vẫn không thể khuất phục ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta.

Các tên lửa chống radar AGM-78 Standard phục vụ trong biên chế Không quân và Hải quân Mỹ từ năm 1968 và cho tới năm 1988 thì bị loại biên, vai trò của nó được thay thế bởi AGM-88 HARM.