Thợ 'đào hang chuột' đã giúp cứu sống 41 công nhân Ấn Độ như thế nào?

ANTD.VN -  Tối 28-11, toàn bộ 41 công nhân bị mắc kẹt suốt 17 ngày trong đoạn đường hầm bị sập ở bang Uttarakhand, Ấn Độ đã được giải cứu an toàn. Trong kỳ tích này, không thể không kể đến công lao của nhóm thợ “đào hang chuột”.

Toàn bộ 41 công nhân Ấn Độ mắc kẹt kể từ ngày 12-11 vừa qua khi lở đất khiến một đoạn đường hầm dài 4,5km mà họ đang xây dựng bị sập tại vị trí cách cửa hầm 200m.

Khi máy móc hạng nặng không thể xử lý một lượng lớn khối đất ngổn ngang trong một đường hầm ở dãy Himalaya, nhà chức trách đã nhờ đến một nhóm người có nghề bị cấm ở nước này: thợ đào “hang chuột”.

Thời điểm đó, khi máy khoan đạt đến ¾ đoạn đường hầm bị sập, việc tiếp cận những công nhân mắc kẹt đành giao phó cho những người thợ đào hang trong không gian chật hẹp

Những người “thợ đào hang chuột” bắt tay vào công việc vào chiều tối 27-11 sau khi chiếc máy khoan thứ hai cũng bị hỏng và đoạn hầm bị sập dài 60m vẫn còn 15m chưa thông

Họ chia làm 2 tổ, mỗi tổ 3 người, với một người khoan, người thứ hai thu thập đất đá và người thứ ba đẩy ra khỏi đường ống.

Các thợ mỏ đặc biệt này đã làm việc hơn 24 giờ liên tục. Nasir Hussain, một trong 6 thợ mỏ cho biết: “Khi nhìn thấy họ bên kia đường hầm sau khi phá thông, chúng tôi đã ôm họ như thể gặp lại người thân trong gia đình”.

Cuối cùng, lực lượng cứu hộ đã thành công trong việc đưa các công nhân ra khỏi đống đổ nát sau 17 ngày thử thách.

Lực lượng cứu hộ sử dụng cáng có bánh xe để kéo từng công nhân ra ngoài thông qua đường ống rộng 90cm.

Hàng chục nhân viên cứu hộ đã chờ sẵn ngoài hầm và xe cứu thương cũng được huy động để nhanh chóng đưa các nạn nhân tới bệnh viện cách đó khoảng 30km.

Những công nhân vẫn sống sót suốt thời gian dài trong đoạn đường hầm dài khoảng 2km, cao khoảng 8,5m nhờ được chuyển khí oxy, thực phẩm và nước uống qua đường ống hẹp chuyên dụng.

Các công nhân sau khi được giải cứu sẽ được chuyên gia theo dõi và kiểm tra kỹ về mặt sức khỏe

Khai thác mỏ kiểu “hang chuột” được sử dụng rộng rãi ở bang Meghalaya Ấn Độ. Đây là một phương pháp nguy hiểm và gây tranh cãi khiến tòa án môi trường vào năm 2014 đã ra lệnh cấm vì hủy hoại môi trường và nhiều ca tử vong.

Đúng như tên gọi của nó, phương pháp này rất giống loài chuột đào hố. Các hố có kích thước vừa đủ để công nhân đi xuống bằng dây thừng hoặc thang để lấy than. Các hố thường không có biện pháp an toàn và thông gió thích hợp.

Vào tháng 1-2019, ít nhất 15 thợ mỏ đã thiệt mạng tại một mỏ “hang chuột” như vậy ở Meghalaya sau khi bị mắc kẹt hơn 1 tháng.

Đó chỉ là một trong nhiều thảm kịch ở bang này, nơi ước tính có từ 10.000 đến 15.000 người đã chết trong các mỏ như vậy từ năm 2007 và năm 2014.

Mặc dù có lệnh cấm nhưng nhiều chủ mỏ nhỏ vẫn tiếp tục tuyển dụng người thấp hoặc trẻ em để khai thác than bất hợp pháp. Việc cấm không triệt để một phần lý do là bang nằm ở vị trí xa xôi và chất lượng than thấp.