Thiếu nữ giành giải Nobel Hòa bình mở trường học cho trẻ em gái tị nạn Syria

ANTĐ -Malala Yousafzai, cô gái trẻ nhất đoạt giải Nobel Hòa Bình vừa kỷ niệm lễ sinh nhật 18 tuổi hôm 12-7, bằng việc mở một trường học cho trẻ em gái tị nạn Syria ở Lebanon.

Malala đã trở thành biểu tượng nữ quyền, sau khi cô bị lực lượng khủng bố Taliban bắn trên một chuyến xe bus vào năm 2012 vì ủng hộ quyền lợi được đến trường của trẻ em gái. Sau lần thoát chết đó, cô tiếp tục vận động các chiến dịch tạo điều kiện học tập cho trẻ em. Những cố gắng hết sức mình vì nền giáo dục và nhân loại của cô gái người Pakistan đã giúp cô nhận được giải Nobel Hòa bình năm 2014.

Bước sang tuổi 18, một năm sau khi cầm trên tay giải thưởng cao quý, Malala đã bắt đầu thực hiện những dự án mà cô ấp ủ bấy lâu nay về quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới.

"Tôi quyết định mở một trường học ở Lebanon vì tôi tin rằng tiếng nói của những người tị nạn, đặc biệt là trẻ em gái cần được lắng nghe. Chúng ta đã bỏ qua điều này từ rất lâu”, Malala nói với Reuters trong một phòng học vừa được xây dựng và trang trí đẹp mắt.

Ngôi trường do quỹ Malala tài trợ đã được xây dựng trong thung lũng Bekaa, gần biên giới Syria, sẽ là nơi học tập hơn 200 trẻ em gái trong độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi. Tổ chức phi lợi nhuận mang tên Malala cũng sẽ tài trợ cho các chương trình giáo dục địa phương cũng như sách vở để trẻ em được yên tâm đến trường.
Thiếu nữ giành giải Nobel Hòa bình mở trường học cho trẻ em gái tị nạn Syria ảnh 1Thiếu nữ giành giải Nobel Hòa bình Malala Yousafzai (giữa) mở trường cho trẻ em gái tị nạn Syria ở Lebanon

Phát biểu trong ngày sinh nhật của mình, Malala cho biết: "Hôm nay, trong ngày đầu tiên tôi trở thành một người lớn, thay mặt cho trẻ em trên toàn thế giới, tôi đề nghị các nhà lãnh đạo hãy đầu tư vào sách vở, thay vì là súng đạn”.

Bên cạnh đó cô cũng lên án tình trạng một số quốc gia láng giềng của Syria từ chối người tị nạn, khiến họ rơi vào thảm cảnh tiến thoái lưỡng nan. "Lebanon cũng như ở Jordan, ngày càng tăng những người tị nạn phải quay trở lại biên giới. Đó là điều vô nhận đạo và đáng xấu hổ", Malala nói. 

Tình hình nội chiến căng thẳng ở Syria đã khiến dòng người tị nạn tiếp tục ùn ùn kéo về các biên giới, nhưng buộc phải quay đầu lại vì sự từ chối từ nước láng giềng. Kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến 4 năm tuổi, Liên Hợp Quốc ước tính rằng khoảng 4,2 triệu người Syria đang phải bỏ nhà cửa đi tị nạn. Trong đó, Lebanon là quốc gia đang che chở cho hơn 1,2 triệu người Syria, gồm 500.000 trẻ em trong độ tuổi đi học, nhưng chỉ có 1/5 trẻ em được đến trường bình thường.