Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên chỉ áp dụng trong một số vụ án tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Nhiều vụ án có tính chất phức tạp, thời gian điều tra truy tố kéo dài (có vụ hơn 2 năm) đến khi Tòa án giải quyết, tang vật là nhà xưởng, thiết bị máy móc, phương tiện hầu như hư hỏng không thể sử dụng được...

Ban hành Nghị quyết rất cấp bách, thiết thực

Trong phiên họp sáng nay, 9-11, cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết.

Theo đại biểu, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, vật chứng vụ án được xử lý như trả lại, tịch thu hay tiếp tục kê biên chỉ có thể thực hiện ở giai đoạn hồ sơ vụ án chuyển sang Tòa án.

Trong thực tiễn, nhiều vụ án có tính chất phức tạp, thời gian điều tra truy tố xéo dài (có vụ từ 1-2 năm, cá biệt hơn 2 năm) đến khi Tòa án giải quyết, tang vật là nhà xưởng, thiết bị máy móc, phương tiện hầu như hư hỏng không thể sử dụng được và chỉ còn là đống sắt vụn, gây lãng phí gây thiệt hại rất lớn, đặc biệt là các vụ án liên quan đến việc cho vay của Ngân hàng thương mại.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận

Cho ví dụ về nội dung này, đại biểu phân tích, trong vụ án Tân Hoàng Minh, bị cáo đã nộp và khắc phục số tiền hơn 8460 tỷ đồng cho bị hại ngay sau khi khởi tố. Đáng lẽ có thể trả tiền ngay cho người bị hại nhưng theo quy định, số tiền trên phải gửi vào kho bạc để chờ Tòa án xử lý, trong khi đó bị hại muốn được trả tiền, nhưng hơn 2 năm sau khi kết thúc điều tra, toà án mới quyết định bằng bản án trả tiền cho họ được, thời gian kéo dài gây bức xúc và thiệt hại rất lớn khi đồng tiền gửi kho bạc không được lưu thông.

Do vậy, đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết trên là rất cần thiết và thiết thực. Mục đích của việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản đảm bảo tính kịp thời của một nền tư pháp không chậm trễ và tiết kiệm chi phi cho xã hội. Cho dù cơ quan nào ra quyết định xử lý vật chứng cũng đều phải dựa trên khung pháp lý của Nghị quyết này cũng như các quy định pháp luật khác hiện hành và cơ quan đó và phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Nên mở rộng phạm vi và rút ngắn thời gian thí điểm

Nhằm hoàn thiện và tăng tính khả thi của Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đóng góp thêm một số ý kiến:

Về việc mở rộng phạm vi và rút ngắn thời gian theo thí điểm: Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên dừng và gói gọn trong một số vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi như dự thảo. Bởi lẽ, trong thực tiễn và thống kê hàng năm, số lượng những vụ án tham nhũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 15% các vụ án hình sự thông thường.

Trong khi đó, tang vật thu giữ, kê biên trong các vụ án hình sự rất lớn, nếu chỉ thí điểm trong lĩnh vực án tham nhũng thì chỉ đáp ứng phần nào, không làm thay đổi thực trạng hiện nay đã và đang tồn tại. Mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm xử lý tang vật trong vụ án hình sự là giảm tối đa lãng phí và thiệt hại cho các bên đương sự khi tang vật bị thu giữ, kê biên.

Do đó, đại biểu đề nghị thí điểm ở tất cả các vụ án hình sự mà cơ quan tố tụng coi là tang vật vụ án. Bên cạnh đó, không nhất thiết phải quy định cứng thời gian thí điểm là 3 năm, trong thời gian thí điểm luôn tổng kết, sơ kết, rút kinh nghiệm; nếu thấy ưu việt thì đề xuất xây dựng sửa đổi và bổ sung quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sựđể đảm bảo tối đa lợi ích các bên đương sự, giảm thiểu ước của thiệt hại, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước, tổ chức và công dân.

Về trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản trong quá trình khai thác, quản lý, sử dụng và việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá...., theo điểm c khoản 2 Điều 3 dự thảo, sau khi người bị buộc tội nộp tiền, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định hủy bỏ các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng. Người bị buộc tội, có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản trong quá trình khai thác, quản lý, sử dụng.

Quy định như trên theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính là chưa phù hợp bởi lẽ người bị buộc tội đã nộp đủ số tiền, thậm chí nộp nhiều hơn giá trị tài sản thu giữ, kê biên thì họ có quyền lấy lại tài sản đã bị kê biên, hay nói cách khác, họ có quyền sở hữu tài sản của mình.

Dự thảo chỉ giao cho họ có trách nhiệm bảo quản vật chứng là không khuyến khích người bị buộc tội nộp tiền khắc phục hậu quả thiệt hại do mình gây ra và tước bỏ quyền định đoạt của họ khi tang vật, tài sản đó không dùng để đảm bảo cho nghĩa vụ khác.

Mặt khác, trên thực tiễn, khi một người bị buộc tội thông thường bị áp dụng một số biện pháp như tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú nên việc giao tài sản đang bị kê biên, tạm giữ, cho họ khai thác sử dụng là hoàn trên không khả thi, không phù hợp với thực tế…