- Nữ kế toán phòng Công chứng lừa 'chạy án', chiếm đoạt tiền tỷ
- Cặp đôi lừa đảo 4,7 tỷ đồng với mánh “chạy” tại ngoại hoặc hưởng án treo
- Đề nghị truy tố nhóm “chạy án” và lừa đảo đặc biệt nghiêm trọng
Ngày 12-11, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Viết Sơn (sinh năm 1962, trú ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng, ông Trần Văn C (trú ở TP HCM) sở hữu mảnh đất hơn 14.000m2 ở phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM có nguồn gốc do Nhà nước trực tiếp quản lý và giao cho Hợp tác xã Hiệp Thành sử dụng. Năm 1998, UBND TP HCM có quyết định thu hồi diện tích đất trên và giao lại cho UBND quận 12 quản lý, sử dụng.
Bị cáo Lê Viết Sơn bị đưa ra xét xử tại phiên tòa. |
Đến năm 2012, UBND quận 12 đã xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng có diện tích hơn 6.000m2 trên mảnh đất mà ông C đã mua. Phần diện tích còn lại hơn 8.000m2 tiếp tục bị cưỡng chế thu hồi. Tuy nhiên, ông C cho rằng quyết định thu hồi đất là sai quy định nên nhiều lần gửi đơn khiếu kiện.
Ông này đề nghị UBND quận 12 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với phần diện tích 8.000m2 nhưng đều không được chấp nhận. Do đó, từ năm 2017, ông C ra Hà Nội gửi đơn khiếu kiện.
Mỗi lần ra Hà Nội, ông C thường đến quán bia của Lê Viết Sơn. Đến năm 2020, do có ý định chiếm đoạt tiền của ông C nên Sơn nói dối về việc có người thân làm việc ở cơ quan trung ương, có khả năng hủy quyết định thu hồi đất và xin cấp sổ đỏ với chi phí 300 triệu đồng.
Do không đủ tiền, ông C đã rủ bạn góp tiền để cùng lo đi xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu được cấp “sổ đỏ”, hai người sẽ chia nhau đất.
Đầu tháng 6-2020, Sơn hẹn hai ông này ra Hà Nội để bàn thủ tục khiếu kiện và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại một quán cà phê, Sơn giới thiệu với ông C gặp người tên Hưng (SN 1987), từng công tác tại Cục chống tham nhũng Bộ Công an. Mọi người thống nhất Sơn sẽ là người trực tiếp liên hệ với ông C để giải quyết.
Ngày 23-6-2020, Sơn và ông C ký văn bản công chứng thỏa thuận với nội dung, nếu xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông C sẽ chia cho Sơn 30% diện tích đất. Sau đó, ông C đưa cho Sơn 280 triệu đồng.
Vài ngày sau, Sơn tiếp tục yêu cầu ông C chuyển thêm 2 tỷ đồng thì mới làm được “sổ đỏ”. Mặc dù cầm tiền của ông C nhưng Sơn không làm gì để thực hiện việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhận thấy Sơn không thực hiện được thỏa thuận, ông C yêu cầu bị cáo hoàn trả lại tiền. Sơn sau đó mới trả 40 triệu đồng và còn chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng nên ông C tố giác Sơn ra cơ quan công an.
Tai cơ quan điều tra, Sơn khai nhận đã đưa tiền cho Hưng để nhờ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn Hưng khai nhận chỉ là khách quen, thường ăn uống tại quán bia của Sơn và được giới thiệu, làm quen với ông C.
Khi ông C thỏa thuận cắt cho Hưng 35% diện tích đất thì Hưng đồng ý. Hưng khai nhận có cầm 35 triệu đồng từ Sơn để đến các văn phòng luật sư nhờ tư vấn nhưng không giải quyết được. Ngoài ra, Hưng không nhận khoản tiền nào khác.
Cơ quan điều tra xác định chưa có đủ căn cứ kết luận Hưng đồng phạm với Sơn nên tách tài liệu để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Tại phiên tòa, bị cáo Sơn khai số tiền nhận của ông C đã chuyển cho Hưng để “lo việc”. Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng cho rằng cần phải làm rõ có hay không có việc Hưng nhận tiền từ Sơn…
Nhận thấy việc đối chất giữa bị cáo Sơn và Hưng cũng như một số người liên quan là cần thiết, nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Do đó, sau gần nửa ngày xử án, Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Cũng theo hồ sơ vụ án, ngoài việc liên qua đến hành vi chiếm đoạt tiền của người đàn ông đi khiếu kiện, người tên Hưng mà bị cáo Sơn khai đưa tiền hiện đang phải chấp hành hình phạt tù trong một vụ án khác.