Thể thao Việt Nam đi tìm vị thế tại ASIAD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tự hào “top” đầu Đông Nam Á tại SEA Games, thế nhưng khi ra “biển lớn” châu Á, thể thao Việt Nam lại thua kém thành tích trước các nền thể thao láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore… Nghịch lý đó đặt ra nhiều vấn đề trong hoạch định chiến lược, cải thiện vị thế trên đấu trường châu lục, thế giới.

Tối 23-9, lửa thiêng Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19 - 2023 đã được thắp sáng tại Hàng Châu (Trung Quốc), đánh dấu màn tranh tài của hơn 12.000 vận động viên thuộc 45 đoàn thể thao trong châu lục. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 337 vận động viên tranh tài ở 31/40 môn, phấn đấu giành 2 - 5 Huy chương Vàng.

Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ thượng cờ ASIAD Hàng Châu - Trung Quốc

Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ thượng cờ ASIAD Hàng Châu - Trung Quốc

“Xưng bá” SEA Games, lép vế tại ASIAD

Có một nghịch lý tồn tại lâu nay với thể thao Việt Nam, đó là chúng ta liên tục duy trì tốp đầu toàn đoàn các kỳ SEA Games, nhưng tại ASIAD lại chịu lép vế trước nhiều nền thể thao cùng khu vực. Thống kê thứ hạng, tương quan thành tích giữa các quốc gia Đông Nam Á tại SEA Games và ASIAD liền kề cho thấy rõ điều này.

SEA Games 2009, đoàn thể thao Việt Nam xếp nhì toàn đoàn, nhưng 1 năm sau chỉ xếp hạng 7/11 khu vực tại ASIAD 2010. Tương tự tại ASIAD 2014, Việt Nam xếp hạng 6/11 khu vực, dù trước đó xếp hạng 3 SEA Games 2013. Duy trì hạng 3 SEA Games 2017, song tới ASIAD 2018 thành tích của chúng ta cũng chỉ xếp hạng 4 ở khu vực. Từ ASIAD 2018 đến trước ASIAD tại Hàng Châu (Trung Quốc), thể thao Việt Nam “xưng bá” Đông Nam Á khi lần lượt xếp nhì SEA Games 2019 và nhất 2 kỳ SEA Games 2021 và 2023. Thế nhưng, thành tích đó không phải là cơ sở để chúng ta nghĩ về vị trí dẫn đầu khu vực tại ASIAD lần này.

Việt Nam xếp hạng 6 Đông Nam Á về số huy chương ASIAD

Thống kê tổng thành tích huy chương của 10 quốc gia Đông Nam Á tại ASIAD, Thái Lan xếp nhất với 132 Huy chương Vàng/18 kỳ đại hội tham dự. Đứng thứ hai là Indonesia với 91 Huy chương Vàng/18 kỳ. Philippines xếp thứ ba với 67 Huy chương Vàng/18 kỳ. Thứ tư là Malaysia với 63 Huy chương Vàng/17 kỳ. Kế đó là Singapore với 42 Huy chương Vàng/16 kỳ. Việt Nam xếp thứ 6 khu vực với tổng cộng 18 Huy chương Vàng/14 kỳ. Bốn quốc gia nhóm cuối gồm Myanmar (16 Huy chương Vàng/18 kỳ), Campuchia (3 Huy chương Vàng/12 kỳ), Lào (4 Huy chương Bạc/11 kỳ), Brunei (4 Huy chương Đồng/8 kỳ).

Thực tế, căn cứ vào chỉ tiêu thành tích mà các nền thể thao Đông Nam Á đề ra trước giải, thể thao Việt Nam với mục tiêu 2 - 5 Huy chương Vàng thua kém Thái Lan (chỉ tiêu 15 Huy chương Vàng), Indonesia (8 - 10 Huy chương Vàng). Malaysia không đặt chỉ tiêu Huy chương Vàng cụ thể để giảm áp lực cho vận động viên, nhưng yêu cầu giành tổng cộng 27 huy chương, bất kể màu nào. Ba kỳ ASIAD gần nhất, Malaysia đạt tổng cộng 21 Huy chương Vàng, gấp 3 lần Việt Nam. Singapore lần này cử số lượng vận động viên dự ASIAD đông nhất lịch sử với 431 vận động viên tranh tài ở 32/40 môn, đặt mục tiêu vượt mốc 4 Huy chương Vàng của đại hội trước. Indonesia với tư cách chủ nhà đại hội 2018 từng giành tới 31 Huy chương Vàng và đang nỗ lực giữ lại 1/3 số đó tại ASIAD Hàng Châu.

Thành tích của thể thao Việt Nam tại ASIAD thua kém nhiều quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á

Thành tích của thể thao Việt Nam tại ASIAD thua kém nhiều quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á

Thua từ “lượng” đến “chất”

Không chỉ xét về “lượng” mà về “chất”, thể thao Việt Nam cũng bị nhiều quốc gia láng giềng bỏ xa. Thái Lan tự tin đặt chỉ tiêu 15 Huy chương Vàng, giao cụ thể cho từng cá nhân, đội tuyển dựa trên thực lực, trong đó có những vận động viên đẳng cấp số 1 thế giới, châu lục như vận động viên Panipak Wongpattanakit - đương kim vô địch Taekwondo Olympic; vận động viên Kulwut Wititsan - đương kim vô địch đơn nam cầu lông thế giới; đội bóng chuyền nữ trong nhà - đương kim vô địch châu Á; đội cầu mây - vô địch ASIAD 4 kỳ liên tiếp… Theo Thông tấn xã Thái Lan, chỉ cần các vận động viên trên không chấn thương, thi đấu đúng phong độ thì việc hoàn thành chỉ tiêu Huy chương Vàng là trong tầm tay.

Ngoài Thái Lan thì Singapore, Indonesia, Malaysia… cũng có những vận động viên đạt đẳng cấp top đầu thế giới ở nội dung thi đấu ASIAD sắp tới. Trong khi đó, thể thao Việt Nam cử 31 đội tuyển tham dự nhưng chỉ có 5 đội thuộc nhóm “có khả năng cao” giành Huy chương Vàng, 18 đội “có khả năng giành Huy chương Bạc, Huy chương Đồng” và 5 đội không có khả năng giành huy chương. Chúng ta không có những vận động viên thực sự đạt đẳng cấp số 1 châu Á. Ở ASIAD 18, nếu không tính chủ nhà Indonesia thì Việt Nam dẫn đầu khu vực về số Huy chương Bạc (15 chiếc, không kể 1 Huy chương Bạc được đôn lên thành Huy chương Vàng của vận động viên điền kinh Quách Thị Lan do người vô địch sau đó bị xác định dương tính với doping). Điều đó đồng nghĩa chúng ta thất bại trong 15 cuộc cạnh tranh Huy chương Vàng - một thống kê đáng suy ngẫm.

Những “hy vọng vàng”

Tổ tiếp sức 4x400m nữ điền kinh Việt Nam được kỳ vọng “giật Vàng” ASIAD khi đang là đương kim vô địch châu Á

Tổ tiếp sức 4x400m nữ điền kinh Việt Nam được kỳ vọng “giật Vàng” ASIAD khi đang là đương kim vô địch châu Á

Tại ASIAD 2018, Việt Nam giành 5 Huy chương Vàng - nhiều nhất các kỳ Á vận hội. Tuy nhiên chỉ tiêu 2 - 5 Huy chương Vàng tại đại hội năm nay dự báo gặp nhiều khó khăn khi môn Pencak Silat (2 Huy chương Vàng ASIAD 2018), nội dung chèo thuyền 4 người (1 Huy chương Vàng ASIAD 2018) không có trong chương trình thi đấu. Đương kim vô địch nhảy xa môn điền kinh Bùi Thị Thu Thảo không còn phong độ cao. Nhiệm vụ giành Huy chương Vàng cho Việt Nam đặt lên vai các môn cầu mây, cờ tướng, bắn súng, boxing, karate. Trong khi wushu, taekwondo, điền kinh, bắn súng… được kỳ vọng có huy chương, thậm chí Huy chương Vàng ở các nội dung mà Việt Nam là thế mạnh.

Ngân sách hàng năm dành cho thể thao vốn đã ít, lại phải dàn đều cho nhiều bộ môn nên các vận động viên “mũi nhọn” chưa được đầu tư xứng tầm. Trong khi với thể thao thành tích cao, vận động viên khó có thể nâng cao thành tích và bản lĩnh thi đấu nếu không được tôi luyện ở các giải đấu quốc tế khắc nghiệt, tranh tài và học hỏi từ các vận động viên hàng đầu châu lục, thế giới. Điều đó là một phần nguyên nhân dẫn đến thành tích của vận động viên không được ổn định và Hoàng Xuân Vinh chính là một minh chứng điển hình. Sau những lượt bắn xuất thần giành Huy chương Vàng lịch sử tại Olympic 2016, Xuân Vinh trở lại với thực trạng tập luyện tại trường bắn cũ kỹ, lạc hậu, thường xuyên phải tập “chay” (bắn súng nhưng không có đạn). Và tại SEA Games 2017 diễn ra sau đó, Xuân Vinh chỉ giành Huy chương Bạc. Đến ASIAD 2018, vẫn nội dung 10m súng ngắn từng vô địch Olympic, anh thậm chí còn không thể vào được chung kết. Đến Olympic Tokyo 2020, tham dự nhờ suất đặc cách dành cho khách mời, Xuân Vinh dừng chân ngay từ vòng loại.

Bao giờ SEA Games thực sự là bàn đạp cho ASIAD, Olympic?

Có một thực tế là một số nền thể thao trong khu vực, điển hình như Thái Lan, đã không còn mặn mà với việc đua huy chương ở SEA Games mà hướng tới đầu tư trọng điểm, “nuôi gà nòi” để cạnh tranh huy chương tại ASIAD, Olympic (Thế vận hội mùa hè). Ở nhiều nội dung/môn thi SEA Games, họ cử vận động viên trẻ tham gia để tích lũy kinh nghiệm. Những tài năng trẻ được đầu tư xứng tầm cho các nhiệm vụ tầm châu lục, thế giới. Họ đồng thời yên tâm với những đãi ngộ mà ngành thể thao dành cho vận động viên trọng điểm. Việt Nam cũng có chính sách riêng, nhưng chủ yếu mới dừng ở mức tăng tiền công, tiền ăn mỗi khi có giải đấu, chứ chưa đủ sức hấp dẫn và chưa xứng tầm với tài năng cũng như chỉ tiêu thành tích mà vận động viên gánh vác. Đơn cử, mỗi tấm Huy chương Vàng cá nhân SEA Games được thưởng 45 triệu đồng theo quy định Nhà nước bên cạnh khoản thưởng lớn từ địa phương, đơn vị chủ quản lẫn nhà tài trợ. Trong khi vận động viên giành vé tới Olympic không có tiền thưởng theo quy định Nhà nước, dù ai cũng biết giành suất Olympic khó hơn nhiều lần vô địch Đông Nam Á. Đặt lên bàn cân, một vận động viên chắc chắn sẽ mặn mà với việc thâu tóm huy chương ở SEA Games hơn là nỗ lực vượt ngưỡng, chinh phục các mốc cao hơn ở đấu trường châu lục, thế giới.

Thể thao Việt Nam cần hướng trọng tâm tới các môn trọng điểm và cạnh tranh huy chương ở đấu trường ASIAD, Olympic (Trong ảnh: Bùi Thị Thu Thảo giành Huy chương Vàng điền kinh ASIAD 2018)

Thể thao Việt Nam cần hướng trọng tâm tới các môn trọng điểm và cạnh tranh huy chương ở đấu trường ASIAD, Olympic (Trong ảnh: Bùi Thị Thu Thảo giành Huy chương Vàng điền kinh ASIAD 2018)

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại các đại hội quốc tế cho biết, hơn 20 năm trước, sau khi Việt Nam nhất toàn đoàn SEA Games 2003 với 158 Huy chương Vàng, ông đã đặt vấn đề với giới quản lý thể thao là phải chuyển hướng chiến lược, xem SEA Games như bàn đạp hướng tới đấu trường cao hơn là ASIAD và Olympic. 20 năm sau, khi Việt Nam giành kỷ lục 205 Huy chương Vàng tại SEA Games 2021, vấn đề này tiếp tục được ông nhắc lại: “Chúng ta có 205 Huy chương Vàng SEA Games 2021, nhưng thử hỏi bao nhiêu trong số đó trở thành Huy chương Vàng ASIAD, Olympic? Nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam cho biết, tại hội nghị của Ủy ban Olympic Việt Nam mới đây, các nhà hoạch định chiến lược xác định: “Mục tiêu trực tiếp và trọng tâm của thể thao Việt Nam vẫn là SEA Games”. Theo ông, việc xác định chiến lược như vậy sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, mục tiêu của các vận động viên. “Họ cần phải nỗ lực đến đâu? Hay chỉ cần dồn sức cho SEA Games thôi? Điều này cần xác định lại bởi theo tôi, định hướng phát triển của nền thể thao Việt Nam là phải hướng tới ASIAD, Olympic, tập trung đầu tư cho các môn thuộc hệ thống thi đấu trong chương trình các đại hội này” - ông Nguyễn Hồng Minh nêu quan điểm.

Theo dõi tiến trình phát triển của thể thao nước nhà nhiều thập kỷ qua, ông Nguyễn Hồng Minh đánh giá nhiều môn Olympic của Việt Nam có sự tiến bộ rất đáng ghi nhận. Điển hình như điền kinh đã chiếm ngôi số 1 toàn đoàn của Thái Lan tại SEA Games, trong khi đội bơi cạnh tranh sòng phẳng với “cường quốc bơi” là Singapore, đua thuyền gặt hái thành tựu cấp châu lục… “Riêng điền kinh, Việt Nam có một vài nội dung dần tiếp cận châu lục và hoàn toàn có khả năng nâng cao trình độ để vượt qua vòng loại tới Olympic. Nhưng nếu trong tư duy, chúng ta nghĩ rằng chỉ dồn trọng tâm cho SEA Games thì khó có thể tiến dần đến các đấu trường lớn hơn như ASIAD. Chúng ta thắng ở SEA Games nhưng lại thua các nước làng giềng như Thái Lan ở ASIAD… Đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có quyết định rành mạch cho vấn đề này. Đó là điều đáng tiếc!” - chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.