- Israel và Iran đe dọa nhau, tình hình Trung Đông tiếp tục ‘nóng’
- Israel tấn công trung tâm Thủ đô Beirut của Lebanon, ít nhất 6 người chết
- Khu vực nhân đạo ở Dải Gaza bị trúng 4 tên lửa, ít nhất 40 người thiệt mạng
Trẻ em Palestine đang phải chịu một trong những thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng nhất |
Nơi nguy hiểm nhất thế giới với trẻ em
Hàng chục nghìn người vào ngày 5-10 đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới kêu gọi chấm dứt thảm cảnh ở Dải Gaza và các khu vực khác ở Trung Đông, trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tròn một năm diễn ra vào ngày hôm nay 7-10. Ít nhất khoảng 40.000 người biểu tình ủng hộ Palestine đã diễu hành qua trung tâm Thủ đô London của Anh, trong khi hàng nghìn người cũng xuống đường tại các thành phố lớn khác như: Thủ đô Paris (Pháp), Thủ đô Rome (Italia), Thủ đô Manila (Philippines), Cape Town (Nam Phi), New York (Mỹ)…
Cùng ngày 5-10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức “tình trạng bạo lực và đổ máu” ở vùng lãnh thổ Gaza của Palestine và Lebanon. Lời kêu gọi được người đứng đầu tổ chức hòa bình và an ninh lớn nhất hành tinh đưa ra vào dịp đánh dấu tròn một năm bùng phát cuộc xung đột giữa Israel - Hamas ở Dải Gaza và hiện chiến sự đang lan rộng ra toàn khu vực.
Cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas vào Israel ngày 7-10-2023 khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin đã dẫn đến những biến động lớn ở Trung Đông. Cuộc tấn công này không chỉ đẩy xung đột Israel - Hamas vào vòng xoáy bạo lực mới tại Dải Gaza mà còn làm gia tăng các căng thẳng chính trị và quân sự trong khu vực. Dải Gaza - một trong những khu vực có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới - trong một năm qua đã hứng chịu chiến dịch ném bom, bắn phá tàn khốc nhất mà nhân loại từng chứng kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 tới nay. Trung tâm Vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT) trong cập nhật mới về thiệt hại tại Dải Gaza cho thấy, khoảng 66% tổng số tòa nhà, tức 163.778 công trình tại đây Gaza bị hư hại. Theo số liệu mới nhất, 52.564 công trình tại Dải Gaza đã bị phá hủy, 18.913 công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng và 56.710 công trình bị hư hại ở mức độ nhẹ hơn.
Các cơ quan y tế Palestine cho biết, đến nay khoảng hơn 41.000 người Palestine đã thiệt mạng ở Dải Gaza, trong đó có ít nhất hơn 11.300 trẻ em và hàng chục nghìn trẻ khác bị thương, khoảng 21.000 em mất tích. Những cuộc tấn công tàn khốc liên tiếp của Israel đã đẩy 2,4 triệu người Palestine vào thảm kịch nhân đạo, đặc biệt là hàng trăm nghìn trẻ em; khoảng 2 triệu người đã phải đi sơ tán, bao gồm hàng trăm nghìn trẻ em. Ngoài số trẻ em thiệt mạng, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cuộc xung đột đã biến ít nhất 19.000 đứa trẻ khác thành trẻ mồ côi, hàng chục nghìn đứa trẻ khác mất tay, chân hoặc bị thương nghiêm trọng. Các nhân viên y tế cho biết, mỗi ngày có hàng trăm đứa trẻ người vương bụi và máu được người dân bế đến bệnh viện, nhưng không ai tới đón chúng đi. Không ít đứa trẻ bị thương trải qua những cuộc phẫu thuật đau đớn mà “chẳng ai ở đó để nắm tay hoặc an ủi chúng”.
Đối với những đứa trẻ bị thương nhẹ, các em lang thang vô định trong hành lang bệnh viện sau khi được y tá băng bó vết thương. Ngoài kia, nếu cha mẹ các em còn sống, họ cũng không biết tung tích con cái mình do thông tin liên lạc hạn chế. Giữa những trận bom, những cuộc di tản liên tục từ lều này sang lều khác, từ căn hộ này sang bệnh viện khác, không ai có thể thống kê được bao nhiêu trẻ em ở Dải Gaza đã mất hoặc lạc cha mẹ. Hiện trên khắp Dải Gaza, không có một trường học nào hoạt động và khoảng 85% các tòa nhà trường học đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh giữa Israel - Hamas. Hơn 625.000 trẻ em Palestine đã không được học hành kể từ khi Israel mở chiến dịch tấn công lực lượng Hamas ở Dải Gaza.
Tổn thương tâm lý đeo đẳng suốt cuộc đời
Theo các số liệu, trong khoảng 1 triệu trẻ em ở Dải Gaza, ước tính có 640.000 trẻ dưới 10 tuổi, bao gồm 340.000 trẻ dưới 5 tuổi. Hơn lúc này, các em cần thuốc men, thức ăn và nước uống hàng ngày. Theo người phát ngôn Cơ quan cứu trợ người Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) Louise Wateridge, trẻ em Palesitne ở Dải Gaza “không còn tuổi thơ”. Bà Louise Wateridge cho hay: “Suy dinh dưỡng, kiệt sức. Ngủ trong đống đổ nát hoặc dưới tấm bạt nhựa. Mặc cùng một bộ quần áo trong 9 tháng. Giáo dục thay thế bằng sự mất mát và sợ hãi. Mất mạng, mất nhà cửa và mất ổn định”.
Ủy ban Liên hợp quốc gồm 18 thành viên giám sát việc các quốc gia tuân thủ Công ước về Quyền trẻ em năm 1989 vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã cáo buộc, Israel vi phạm nghiêm trọng hiệp ước toàn cầu bảo vệ quyền trẻ em. Theo các cơ quan này, hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza đã gây ra tác động thảm khốc đối với trẻ em và là một trong những hành vi vi phạm tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới gần đây. Trong khi đó, Người phát ngôn của UNICEF Jonathan Crickx phải thốt lên: “Gaza là nơi nguy hiểm nhất thế giới với trẻ em”. Hành động khẩn cấp để cứu người dân Palestine, đặc biệt là trẻ em, khỏi thảm họa nhân đạo tồi tệ bậc nhất là đòi hỏi cấp bách hàng đầu vào lúc này với không chỉ các bên tham chiến mà cả cộng đồng quốc tế.
Hiện Dải Gaza đã bị quân đội Israel vây chặt trên bộ, trên không và trên biển, nên mọi sinh hoạt thông thường đều phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài lãnh thổ, hiện được chuyển chủ yếu qua 6 cửa khẩu trên bộ từ lãnh thổ Ai Cập hoặc Israel. Bên trong, việc phân phối hàng hóa cứu trợ phụ thuộc vào các tổ chức nhân đạo quốc tế, đi đầu là UNRWA. Tuy nhiên, nguồn tài trợ lớn nhất của UNRWA đến từ Mỹ đã bị đình chỉ do cáo buộc của Israel về việc một số nhân viên UNRWA người bản địa có dính líu đến phong trào Hồi giáo Hamas.
Mỹ cho tới nay chưa có kế hoạch phân phối viện trợ khả thi nào khi cắt nguồn tiền cho UNRWA, dẫn đến nguy cơ xáo trộn nghiêm trọng với hoạt động nhân đạo tại Dải Gaza. Mỹ từng thực hiện kế hoạch xây dựng cầu tàu ngoài khơi Địa Trung Hải trị giá hơn 300 triệu USD với mục tiêu cung cấp đủ lương thực cho 1,5 triệu người ở Dải Gaza, nhưng đã thất bại khi cầu tàu buộc phải dừng hoạt động sau hơn 20 ngày với lý do mà Mỹ đưa ra là “gió to, sóng lớn” trên biển. Cùng với việc thúc đẩy hoạt động viện trợ nhân đạo liên tục cho người Palestine, yếu tố mang tính quyết định giúp trẻ em Dải Gaza giảm thiểu nguy cơ tổn thương là một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Gần một năm qua, cộng đồng quốc tế đã sử dụng nhiều biện pháp để đưa các bên tham chiến đến một thỏa thuận, nhưng bất thành.
Theo giới quan sát, những lời kêu gọi ngừng bắn đang ngày một trở nên khẩn thiết hơn khi dịch bại liệt có dấu hiệu trở lại Dải Gaza tấn công trẻ em và có thể lan ra các nước láng giềng nếu không bị chặn. Liên hợp quốc từng thúc giục các bên ngừng giao tranh dù chỉ trong thời gian ngắn để chuyên gia y tế tiêm vaccine ngừa bại liệt cho trẻ. Liên hợp quốc khẳng định, ít nhất 90% trong số 640.000 trẻ dưới 10 tuổi ở Dải Gaza phải được tiêm vaccine hai đợt, mỗi đợt cách nhau 4 tuần, để ngăn dịch lây lan.
Một báo cáo của UNRWA khẳng định, trẻ em người Palestine ở Dải Gaza đang là đối tượng phải chịu tổn thương nhiều nhất trong các cuộc xung đột giữa Israel - Hamas. Một thế hệ trẻ em ở vùng đất này của người Palestine lớn lên với những tổn thương tâm lý đeo đẳng suốt cuộc đời. UNRWA vì thế khẩn thiết kêu gọi các bên liên quan sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài để chấm dứt thảm họa nhân đạo hiện nay tại Gaza, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho trẻ em Palestine trên dải đất này.