Tên lửa phòng không S-300 'mất khả năng kích hoạt' sắp có mặt tại tiền tuyến?

ANTD.VN - Quá trình viện trợ tên lửa phòng không S-300 của Bulgaria cho Ukraine đã được thỏa thuận theo một "thủ tục độc đáo".

Bulgaria cuối cùng đã đồng ý gửi hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Ukraine, và rõ ràng quyết định này rất khó khăn đối với Sofia - đầu tiên là một cuộc họp mở kéo dài ba giờ, sau đó là thảo luận diễn ra sau những cánh cửa đóng kín.

Thành phần tham dự cuộc họp nói trên bao gồm người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Bulgaria - Đô đốc Emil Eftimov và Phó Tư lệnh Không quân - Chuẩn tướng Petyo Mircheva.

Cuối cùng, quyết định về việc gửi tên lửa của tổ hợp phòng không S-300, cũng như đạn 5,45 mm từ kho dự trữ dư thừa của Bộ Nội vụ nước này cho Ukraine đã được thống nhất, tờ Sofia Globe cho biết.

Hơn nữa, ấn phẩm nhấn mạnh là quyết định này không được công bố theo thủ tục chính thức thông thường, và các nhà báo chỉ biết về kết quả cuộc bỏ phiếu nói trên qua các kênh bên lề.

Những sắc thái chính trong việc chuyển giao tên lửa phòng không S-300 đã được người đứng đầu ủy ban quốc phòng của quốc hội Bulgaria - ông Hristo Gadjev tiết lộ.

Thứ nhất, chúng ta đang nói về những tên lửa rất lỗi thời đã hỏng và không thể sửa chữa ở Bulgaria - nhưng đồng thời Sofia cho rằng các chuyên gia ở Ukraine sẽ đủ khả năng làm được điều đó.

Thứ hai, đó là về số lượng tên lửa S-300 mà Bulgaria dự định chuyển giao cho Ukraine - dù con số này không được tiết lộ nhưng ông Eftimov trước đó tuyên bố rằng con số này chỉ bằng 3 - 5% tổng số đạn dự trữ.

Tất nhiên Ukraine cần bất kỳ sự trợ giúp nào để S-300 có thể tiếp tục hoạt động và tiêu diệt càng nhiều mục tiêu trên không càng tốt, nhưng vấn đề mấu chốt là liệu những tên lửa này có thể sửa chữa được hay không.

Câu chuyện về việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Bulgaria và tên lửa của chúng cho Ukraine bắt đầu từ năm ngoái, khi Kyiv gửi yêu cầu tới chính quyền Sofia.

Đồng thời vào tháng 7 năm nay, báo chí biết được việc Mỹ muốn mua S-300 cho Ukraine từ Bulgaria với giá 200 triệu, nhưng Bulgaria lại từ chối với lý do họ chưa đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine do lo ngại phản ứng từ Nga.

Vấn đề nữa là phiên bản S-300 mà Bulgaria dự định gửi cho Ukraine là S-300PS (NATO định danh là SA-10 Grumble) thuộc thế hệ đời đầu của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 nổi tiếng, chính thức được giới thiệu vào năm 1985.

Tổ hợp S-300PS được nâng cấp với sự phục vụ của xe mang phóng tự hành 5P85T (dựa trên khung gầm xe tải MAZ 7910 8x8) và radar điều khiển hỏa lực 5N63.

Sức mạnh của S-300PS nằm ở tên lửa đánh chặn 5V55R có tầm bắn 90 km, vận tốc tối đa 1.700 m/s, độ cao hoạt động 0,025 - 25 km, mang theo đầu đạn nặng 133 kg.

Loại đạn này được cho là sử dụng hệ dẫn đường thông qua radar bán chủ động thay vì nhận lệnh trực tiếp từ đài chỉ huy như đạn 5V55K thế hệ cũ.

Hệ thống có thể theo dõi 12 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu có vận tốc 1.150 m/s cùng lúc, tầm bắn hiệu quả đối với máy bay là 75 km và tên lửa đạn đạo tầm ngắn là 25 km.

Thời gian giãn cách giữa 2 loạt phóng chỉ từ 3 đến 5 giây và chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoặc di dời khỏi trận địa theo thông báo sẽ dưới 5 phút.