Tên lửa nhanh nhất thế giới của Nga uy hiếp nghiêm trọng tàu sân bay Mỹ

ANTD.VN - Tên lửa nhanh nhất thế giới của Nga 3M22 Zircon được cho là câu trả lời đầy trọng lượng trước sức mạnh Hải quân Mỹ.

Mới đây NPO Mashinostroyenia thông báo, tên lửa nhanh nhất thế giới của Nga 3M22 Zircon bắt đầu được sản xuất hàng loạt, sớm hơn khá nhiều so với mốc thời gian dự kiến trước đó.

Quyết định trên được đưa ra sau hàng loạt vụ thử thành công đối với tên lửa Zircon từ tàu mặt nước (vụ phóng gần nhất được thực hiện bởi tàu hộ vệ tàng hình Đô đốc Gorshkov vào ngày 18/11) và từ tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk.

Trước tình hình trên, tờ EurAsian Times đã đưa ra nhận định về mối đe dọa mà tên lửa chống hạm siêu thanh Zircon - được xem là “nhanh nhất thế giới của Nga” gây ra đối với tàu sân bay Mỹ và những ưu thế mà nó mang lại cho Hải quân Nga.

Theo nhà phân tích quân sự của cổng thông tin Ấn Độ - ông Sakshi Tiwari, tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh 3M22 Zircon sẽ trở thành vũ khí chủ lực của Nga nhằm đáp trả ưu thế về hải quân của Mỹ và NATO.

Vũ khí này cũng được xem là quân chủ bài có sức nặng nhất của Nga khi mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi ngày càng nhận được sự quan tâm của các cường quốc hàng đầu thế giới.

“Tin tức về việc bắt đầu sản xuất hàng loạt Zircon chỉ ra chiến lược cứng rắn của Nga để kiềm chế đối thủ của mình, vì thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh một tàu khu trục khác của Hải quân lại tiến vào Biển Đen”, tờ EurAsian Times nhấn mạnh.

Theo nhà sản xuất, tên lửa Zircon có khả năng bay với vận tốc Mach 9, tầm xa tối đa lên tới 1.000 km. Tính năng kỹ chiến thuật ưu việt của vũ khí trên cho phép vượt qua những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất.

Chuyên gia Sakshi Tiwari nhận xét: “Tên lửa Zircon có lẽ là nhanh nhất thế giới, vì vậy rất khó tìm ra biện pháp bảo vệ chống lại nó. Đặc biệt đám mây plasma bao quanh tên lửa trong quá trình bay khiến cho radar rất khó phát hiện".

Tờ báo Ấn Độ cũng tin rằng việc phát triển tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh 3M22 Zircon chính là phản ứng của Nga trước sức mạnh của hạm đội tàu sân bay Mỹ.

“Ngay cả tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ USS Gerald R. Ford cũng sẽ dễ dàng bị đánh chìm bởi một vài quả Zircon. Thực tế ngay cả khi con tàu phát hiện tên lửa, nó sẽ có quá ít thời gian để đánh chặn", ông Tiwari chắc chắn.

Tên lửa siêu thanh sẽ cho phép Hải quân Nga cải thiện đáng kể vị thế của mình trong cuộc chạy đua mà ngày nay ba cường quốc hàng hải hàng đầu thế giới bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc đang tham gia.

“Zircon mang lại lợi thế chiến lược cho Hải quân Nga trên toàn thế giới - ở tất cả các vùng biển nơi tàu chiến Nga được triển khai để ngăn chặn đối thủ hùng mạnh. Một ví dụ là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, tờ báo Ấn Độ kết luận.

Mặc dù vậy, cũng có không ít ý kiến cho rằng Nga đang “thổi phồng” tính năng kỹ chiến thuật của Zircon, bởi việc phát hiện và đánh chặn nó từ xa hoàn toàn không phải nhiệm vụ bất khả thi.

Để đạt được tầm xa và vận tốc như thiết kế, Zircon sẽ phải leo tới độ cao 40 km và thực hiện cú bổ nhào vào mục tiêu, như vậy thực chất nó là một quả tên lửa đạn đạo chống hạm chứ không phải tên lửa hành trình.

Trong khi đó các chiến hạm Aegis của Mỹ lại được tối ưu hóa cho việc chống tên lửa đạn đạo, tên lửa đánh chặn SM-3 của nó đạt tới vận tốc Mach 12,5 và độ chính xác cực cao nhờ công nghệ va chạm động năng, kết hợp radar AN/SPY-1D hoàn toàn đủ khả năng tiêu diệt Zircon.