Tên lửa NASAMS sẽ sớm đối mặt máy bay Nga trên bầu trời Ukraine?

ANTD.VN - Bầu trời Ukraine được nhận định sẽ là nơi tên lửa phòng không NASAMS sớm có cuộc đối đầu với máy bay chiến đấu Nga.

Với việc Mỹ công bố cung cấp tên lửa phòng không NASAMS, bầu trời Ukraine nhiều khả nâng sẽ là nơi đầu tiên vũ khí này được sử dụng để đối đầu máy bay chiến đấu Nga.

Thông tin này được đưa ra trong cuộc họp báo tại Bộ Quốc phòng Mỹ vào ngày 29/7. Thủ tục bàn giao đã bắt đầu, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết.

Ukraine tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp cho họ hai khẩu đội NASAMS, có nghĩa là 12 bệ phóng di động, trong đó mỗi bệ phóng có 6 tên lửa. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin chính thức về thời điểm Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ nhận được chúng.

Cần nhắc lại ngay từ thời điểm cuối tháng 6, thông báo về việc Mỹ dự định cung cấp tên lửa phòng không NASAMS cho Ukraine đã xuất hiện. Sau đó một nguồn tin cấp cao của Washington lần đầu tiên tiết lộ ý định của Nhà Trắng.

Vào đầu tháng 7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận tính xác thực của nguồn tin này. NASAMS chính là hệ thống tên lửa phòng không được chính quyền Kyiv mong muốn vào thời kỳ đầu xung đột, nhiều khả năng quy trình cung cấp đã được khởi động từ thời điểm đó.

NASAMS là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung do Na Uy thiết kế để chống lại máy bay không người lái, trực thăng và tất cả các loại chiến đấu cơ khác. Có nguồn tin khẳng định NASAMS đã thử nghiệm thành công cả việc tiêu diệt tên lửa hành trình.

Hiện tại, 9 quốc gia đang vận hành hệ thống tên lửa phòng không này và 5 nước khác đang xếp hàng chờ được cung cấp. NASAMS có tầm bắn từ 25 đến 30 km, tùy thuộc vào loại tên lửa được sử dụng. Độ cao tối đa mà tên lửa bay tới là 21 km.

Hệ thống NASAMS thường được nhìn thấy gắn kết trên khung xe tải việt dã 8 × 8, nhưng bệ phóng có thể sửa đổi nhanh chóng và dễ dàng tích hợp vào các phương tiện vận tải loại 6 × 6 hoặc 4 × 4 khác.

Phiên bản NASAMS I hoạt động với radar 3D MPQ-64 Sentinel do Mỹ chế tạo, biến thể NASAMS II ngoài việc có liên kết dữ liệu theo chuẩn Link 16 còn được trang bị hệ thống radar nâng cấp, như các chuyên gia nhận xét, tốt hơn nhiều so với thế hệ đầu tiên.

NASAMS còn có khả năng cận chiến. Vũ khí tích hợp thứ cấp là hệ thống tên lửa vác vai bám mục tiêu theo chùm tia laser RBS 70 và pháo tự động Bofors 40 mm L70 (được điều khiển bởi radar theo dõi doppler xung đơn Oerlikon Contraves FCS2000).

Hiện vẫn chưa rõ phiên bản nào sẽ được đưa đến Kyiv, nhưng nhiều chuyên gia quân sự cho rằng Ukraine có thể nhận được NASAMS II (phiên bản thứ hai) vì nước này đã có mạng liên kết dữ liệu chiến thuật quân sự tích hợp Link 16 được NATO sử dụng.

Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS II sẽ cho phép Ukraine đánh chặn nhanh chóng và chính xác các loại tiêm kích, trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái có thiết kế của Liên Xô hoặc Nga.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng Ukraine chỉ nên nhận được phiên bản đầu tiên của hệ thống vì lý do an ninh. Mặc dù NASAMS là một tổ hợp phòng không rất tốt, nhưng vẫn có khả năng lực lượng vũ trang Nga tấn công và tiêu diệt nó.

Nếu điều này xảy ra với phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa phòng không NASMAS, Moskva sẽ có cơ hội được tiếp cận với công nghệ nhạy cảm của phương Tây.

Một vấn đề khác đó là không giống như các hệ thống vũ khí được gửi đến Ukraine trước kia, NASAMS sử dụng các tên lửa tương đối mới, đó là tên lửa tầm trung AIM-120 AMRAAM; tên lửa tầm ngắn IRIS-T SLS, AIM-9 Sidewinder; và tên lửa tầm xa mở rộng AMRAAM-ER.

Sẽ là ác mộng đối với NATO nếu những tên lửa tiên tiến nói trên rơi vào tay Nga khi binh sĩ Ukraine vì một lý do nào đó bỏ chúng lại chiến trường trước khi rút lui, điều tương tự đã xảy ra với tên lửa chống tăng Javelin hay tên lửa phòng không Stinger.