Tên lửa Iskander Nga sẽ khiến NATO bất ngờ trong trường hợp nổ ra xung đột

ANTD.VN - Tên lửa Iskander được đánh giá là quân át chủ bài của Nga trong trường hợp nổ ra xung đột với NATO tại châu Âu.

Tạp chí Forbes gọi tên lửa Iskander là vũ khí đáng sợ của Nga, nó sở hữu nhiều ưu điểm như độ chính xác cao và sử dụng được nhiều loại đầu đạn khác nhau, nhưng ưu điểm chính là tính bất ngờ.

Đạn tấn công 9M723 của tổ hợp Iskander bay với tốc độ khoảng Mach 7, đạt tầm xa khoảng 500 km và bắn trúng bất kỳ vật thể nào với độ sai lệch chỉ trong khoảng 5 m nhờ tích hợp công nghệ dẫn đường tối tân.

Vũ khí này được xác định dùng để dọn bãi chiến trường trước khi bắt đầu cuộc tấn công. Đầu đạn được nâng cấp và hệ thống điều khiển giúp Iskander có thể sử dụng như một phương tiện tác chiến đa năng có khả năng tiêu diệt hàng loạt mục tiêu.

Một đầu đạn có thể nặng từ 500 đến 700 kg. Việc phá hủy mục tiêu không chỉ được thực hiện bằng đầu đạn nổ phân mảnh cao mà còn bằng đạn xuyên bê tông thông minh, nhiệt áp và đạn xung điện từ.

Tên lửa Iskander với biến thể đạn đạo được ký hiệu bằng chữ "M", phân biệt với phiên bản hành trình "K" - khi bay có thể cơ động, né tránh các phương tiện phòng thủ của đối phương. Độ chính xác cao cho thấy chỉ có hệ thống dẫn đường bằng laser mang lại đặc điểm như vậy.

Độ chính xác cực cao của Iskander-M đạt được bằng cách sử dụng dữ liệu nhận được từ vệ tinh, cũng như thông qua đầu dò so khớp ảnh quét radar của khu vực và so sánh thông tin này với dữ liệu được nạp trước về mục tiêu.

Ngoài ra còn có một chiến thuật mới - liên kết máy bay không người lái trinh sát mục tiêu trong thời gian thực với tổ hợp tên lửa sẽ giúp định hướng chính xác hơn trước khi tiến hành vụ phóng.

Hiện tại Nga đang từng bước trang bị cho tổ hợp Iskander hai loại đầu đạn mới, thứ nhất là đầu đạn dạng bom chùm thông minh có thể quét khu vực một cách độc lập và nhắm vào xe tăng cũng như các thiết bị khác.

Bên cạnh đó là đầu đạn EMP, đây là vũ khí cực kỳ độc đáo sẽ được sử dụng trong chiến tranh tương lai, chúng tạo ra một xung điện từ cực mạnh phá hủy các thiết bị điện tử đang hoạt động, nhưng khiến những vật thể khác không hề hấn gì.

Trở lại năm 2003, Lầu Năm Góc tin rằng với sự trợ giúp của một loại đạn như vậy, điện thoại, máy tính, ô tô và tất cả các thiết bị sử dụng điện tử khác đều sẽ bị vô hiệu hóa một cách nhanh chóng.

Tác giả của ý tưởng này - nhà khoa học Harlan Ullman tin rằng đạn EMP có thể là cách hiệu quả nhất để làm mất tinh thần đối phương khi kẻ địch bị bỏ lại mà không có liên lạc và ánh sáng.

Một khẩu đội Iskander gồm 12 xe có khả năng bắn 48 tên lửa cùng lúc rồi nạp lại. Tạp chí Forbes cho biết, một cuộc tấn công bất ngờ như vậy sẽ gây choáng váng đồng thời mang tới thiệt hại lớn cho bất kỳ lực lượng nào của đối phương

Với đặc tính kỹ chiến thuật ưu việt như vậy, tổ hợp Iskander khi được Nga bố trí tại biên giới phía Tây hay khu vực Kaliningrad sẽ đủ sức uy hiếp toàn bộ lực lượng tiền tuyến của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, sẽ khiến NATO phải suy nghĩ cẩn thận về những bước đi của mình.