Tên lửa hành trình Kh-101 chỉ có khả năng tàng hình trên lý thuyết?

ANTD.VN - Giới quan sát quân sự phương Tây cho rằng, tên lửa hành trình Kh-101 không mạnh như những gì Nga vẫn quảng cáo, đặc biệt là về tính năng tàng hình.

Dựa trên mảnh xác quả tên lửa hành trình Kh-101 bị rơi, giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng, vũ khí này chỉ có một trong ba yếu tố của công nghệ tàng hình và cũng là đơn giản nhất - hình dạng của thân.

Nga có vẻ đã không thành công trong việc tạo ra một lớp phủ hấp thụ sóng vô tuyến đặc biệt, lớp phủ này có tác dụng làm giảm khả năng hiển thị của phương tiện bay trên radar.

Điều này được chứng minh bằng kết quả nghiên cứu tên lửa Kh-101 bị rơi do một trong những phòng thiết kế chuyên ngành của Ukraine thực hiện, báo cáo được trang Defense Express thu thập từ các nguồn riêng của mình.

Lớp phủ bề mặt của tên lửa hành trình Kh-101 đã được nghiên cứu, theo tuyên bố từ Liên bang Nga, quả đạn này phải được phủ một lớp sơn đặc biệt giúp giảm phản xạ chùm tia radar.

Công nghệ này là một trong những yếu tố làm nên đặc tính "tàng hình", cùng với việc sử dụng hình dạng đặc biệt để tán xạ sóng radar, cũng như các vật liệu cấu tạo "trong suốt" với sóng vô tuyến.

Theo nghiên cứu, đầu tiên, thân của tên lửa Kh-101 được làm bằng hợp kim nhôm với một số thành phần thép không gỉ, đây là điều khác biệt hoàn toàn với những gì Nga công bố.

Hàm lượng vật liệu composite trong thân tên lửa hành trình Kh-101 là không đáng kể và chỉ được sử dụng trong bánh lái khí động học và để che các lỗ hở của hệ thống vô tuyến, chẳng hạn như máy đo độ cao và máy thu định vị vệ tinh.

Thứ hai, các phép đo hệ số phản xạ bề mặt của Kh-101 đã chứng minh rằng nó không ảnh hưởng đến khả năng hiển thị của tên lửa trong phạm vi nhận diện của radar theo bất kỳ cách nào.

Thứ ba, độ dày của lớp sơn phủ, ngay cả khi nó có các đặc tính như công bố cũng không cho phép tạo ra hiệu ứng hấp thụ trong phạm vi hoạt động của các radar làm việc ở tần số 2 - 12 GHz.

Đây được xem là bí mật của tên lửa Kh-101 mà Nga cố gắng che đậy, việc nó được bao phủ bởi vật liệu hấp thụ vô tuyến hóa ra chỉ là sự tuyên truyền mà thôi.

Bên cạnh đó, có những câu hỏi tương tự nảy sinh liên quan đến lớp sơn của máy bay chiến đấu "tàng hình" Su-57, khi phía Mỹ khẳng định rằng tiêm kích thế hệ 5 của Nga có khả năng tán xạ sóng radar rất kém.

Đồng thời, một khía cạnh quan trọng là hình dạng của thân tên lửa Kh-101 vẫn được tạo ra có tính đến việc giảm thiểu khả năng bộc lộ trước sóng radar.

Điều này làm tăng thêm tính đặc thù đối với chuyến bay tầm thấp của tên lửa, một cách tự nhiên đó là do đặc tính vật lý sẽ làm giảm phạm vi phát hiện ra nó theo đường chân trời vô tuyến điện từ.

Nhưng cần lưu ý, phần thân tên lửa hành trình Kh-101 cũng có vẻ chưa được tối ưu hóa hoàn toàn cho đặc tính tàng hình khi động cơ của nó vẫn bị lộ, nhất là khi tín hiệu hồng ngoại chưa được triệt tiêu.

Trong số các yếu tố của công nghệ tàng hình: sử dụng vật liệu "trong suốt" vô tuyến, lớp phủ hấp thụ đặc biệt và hình dạng của phần thân, có vẻ như tên lửa Kh-101 chưa thực sự đáp ứng đầy đủ tiêu chí nào.