Tên lửa hành trình của Trung Quốc nhiều nhưng chưa đủ mạnh

ANTĐ - Theo một báo cáo của Mỹ, hiện Trung Quốc đang đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ về số lượng tên lửa hành trình. Tuy nhiên, khả năng mang đầu đạn hạt nhân của chúng đang bị nghi ngờ.

Báo cáo gần đây của “Viện nghiên cứu dự án 2049” (Project 2049 Institute) có trụ sở tại Washington thể hiện, Trung Quốc là nhà phát triển tên lửa hành trình tấn công chính xác số lượng lớn thứ 2 thế giới hiện nay, có khả năng giáng đòn tấn công vào nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, kể cả Nhật Bản. Chỉ tính riêng số lượng tên lửa CJ-10 phóng từ mặt đất có thể đạt tới 500 quả.

Chuyên gia Nga Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ nhận định, nếu dự đoán này là đúng thì tên lửa hành trình của Trung Quốc đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng tác động đến cục diện quân sự trong khu vực.

Tên lửa hành trình của Trung Quốc nhiều nhưng chưa đủ mạnh ảnh 1

Trung Quốc hiện đứng thứ 2 thế giới về số lượng tên lửa hành trình?

Do không thể tiên đoán quỹ đạo bay của các tên lửa nên việc đánh chặn chúng là việc khó khăn. Nếu một cuộc tấn công đồng loạt sử dụng hàng chục thậm chí là hàng trăm quả tên lửa cùng một lúc, hệ thống phòng không của quân địch chỉ có khả năng bắn hạ một phần nhỏ trong số đó. Số còn lại sẽ có khả năng phá hoại rất lớn đối với các cơ sở hạ tầng của địch.

Các nước láng giềng của Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân ngay từ bây giờ đã phải tính đến việc Trung Quốc có thể sử dụng tên lửa hành trình vào những cuộc tấn công có độ chính xác kiểu “phẫu thuật ngoại khoa”. Trong điều kiện như vậy, Ấn Độ cần bố trí số tên lửa đạn đạo ít ỏi của họ ở phía nam bán đảo Ấn Độ (để tăng thêm tầm bắn), đồng thời tăng cường đầu tư cho lực lượng hạt nhân chiến lược của hải quân. Cả hai phương án này đều đòi hỏi ngân sách rất lớn. 

Tên lửa hành trình của Trung Quốc nhiều nhưng chưa đủ mạnh ảnh 2

Hình ảnh mô phỏng máy bay ném bom H-6K phóng tên lửa hành trình CJ-10

Về Nhật Bản, cũng có thể giả định rằng một khi Tokyo kiên quyết phấn đấu có được vũ khí hạt nhân của riêng mình, thì lúc đó Trung Quốc cũng đã có những phương tiện tấn công thông thường hữu hiệu để hóa giải loại vũ khí này. 

Phương tiện quan trọng để phóng tên lửa hành trình là tàu khu trục Type 052D  và cả trên tàu ngầm, phiên bản phóng từ chiến hạm của CJ-10 được đặt tên là Đông Hải-10 (DH-10). Nhìn chung, Trung Quốc tự tin bước lên vị trí thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ về số lượng tên lửa hành trình và sự đa dạng của các phương tiện phóng. Hơn nữa, lực lượng Mỹ phân tán trên khắp thế giới, còn tên lửa hành trình của Trung Quốc hiện tập trung toàn bộ trong nước, chịu sự chỉ huy thống nhất. 


Tên lửa hành trình của Trung Quốc nhiều nhưng chưa đủ mạnh ảnh 3
Tên lửa hành trình phóng từ mặt đất CJ-10A

Vấn đề quan trọng nhất là tên lửa hành trình của Trung Quốc có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân hay không. Tên lửa hành trình CJ-10 được thiết kế trên cơ sở tên lửa X-55 (Kh-55) của Liên Xô mà Trung Quốc mua từ Ukraina vào đầu những năm 2000. Kiev kiểm soát vũ khí xuất khẩu lỏng lẻo nên Bắc Kinh đã tranh thủ mua được các vật liệu nhạy cảm, có liên quan đến loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. 

Trong hàng loạt nghiên cứu, Trung Quốc đã tính đến tiềm năng gắn đầu đạn hạt nhân cho CJ-10, nhưng hiện giờ chưa có bằng chứng nào về việc lắp đặt đầu đạn hạt nhân cho tên lửa. Nếu có, nó khó có thể tránh khỏi sự phát hiện của các vệ tinh giám sát không gian của Mỹ. 

Tên lửa hành trình của Trung Quốc nhiều nhưng chưa đủ mạnh ảnh 4

Tàu khu trục số hiệu 173 Type 052D

Có thể dự đoán là, trong tương lai, khi chế tạo những mẫu tên lửa hành trình mới có tầm phóng lớn hơn và tính năng tàng hình tốt hơn, cũng như sau khi Không quân Trung Quốc có máy bay ném bom tầm xa và khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Khi đó, Trung Quốc hoàn toàn có thể lắp đặt đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa hành trình.