Tên lửa Astra Mk 2 khiến tiêm kích Su-30MKI bội phần đáng sợ

ANTD.VN - Tên lửa Astra Mk 2 do Ấn Độ chế tạo sẽ được tích hợp vào tiêm kích Su-30MKI cũng như các dòng chiến đấu cơ khác.

Công ty Bharat Dynamics Limited (BDL) đã nhận được hợp đồng từ Không quân Ấn Độ nhằm cung cấp tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Astra Mk 2 cùng với thiết bị phụ trợ.

Bước đi trên củng cố mục tiêu chiến lược của đất nước Nam Á nhằm giảm sự phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu và thiết lập một hệ thống phòng thủ quốc gia vững mạnh hơn.

Thương vụ nói trên có giá trị 29,7 tỷ rupee, tương đương khoảng 357 triệu USD. Mục đích lớn nhất của thỏa thuận này là đẩy nhanh khả năng tự cung cấp vũ khí của Ấn Độ cũng như củng cố cơ sở hạ tầng an ninh trong nước.

BDL đã nhận giấy phép sản xuất hàng loạt tên lửa nội địa Astra Mk 2 sau khi hoàn thiện các bài kiểm tra. Cột mốc quan trọng này là dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực vũ khí của Ấn Độ.

Để chứng tỏ tính năng của mình, những tên lửa Astra nói trên dự kiến ​​sẽ được trang bị trên tiêm kích Su-30MKI của Nga, sau đó là một loạt chiến đấu cơ khác như MiG-29UPG hay MiG-29K.

Tin tức từ nhiều cơ quan truyền thông Ấn Độ cho rằng hiệu suất của tên lửa khi được thử nghiệm ở cơ sở ở Goa, tại độ cao hơn 6.000 mét, đã thể hiện tính năng kỹ chiến thuật rất ấn tượng.

Phiên bản Astra Mk 2 mới phát triển sở hữu tầm bay mở rộng, với việc thực hiện thành công các thử nghiệm bắn tĩnh gần đây báo hiệu một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển vũ khí.

Việc đưa Astra Mk 2 vào kho vũ khí của Không quân Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng cường đáng kể năng lực chiến đấu của họ. Hơn nữa, sự bổ sung này dự kiến ​​sẽ củng cố vị thế của New Delhi trên trường quốc tế, khi loại tên lửa này sẽ được xuất khẩu trong tương lai.

Trong một động thái được tiết lộ hồi đầu tháng 7/2023, Không quân Ấn Độ muốn hợp tác cùng Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp, để kết hợp các loại vũ khí được chế tạo trong nước như tên lửa Astra vào máy bay chiến đấu Rafale.

Các quan chức quốc phòng Ấn Độ đã truyền đạt ý định hợp nhất vũ khí do quốc gia này tự chế tạo vào những nền tảng phương tiện chiến đấu khác nhau, bất kể chúng được Nga, Pháp hay Mỹ sản xuất.

Chiến lược này còn bao gồm việc bổ sung nhiều loại vũ khí khác chứ không riêng gì tên lửa không đối không, chẳng hạn như bom lượn có tầm hoạt động rộng.

Sáng kiến ​​này được các chuyên gia trong ngành đánh giá là có khả năng tạo ra một thị trường béo bở cho những hệ thống vũ khí của Ấn Độ, một khi chúng trở thành bộ phận không thể thiếu của tiêm kích Su-30MKI hay Rafale.

Để củng cố các giải pháp chiến đấu trong nước và đạt được khả năng tự cung tự cấp ở mức chấp nhận được, Không quân Ấn Độ đã thực hiện những bước đi chủ động và đang dẫn đầu so với các quân binh chủng khác.

Đối với tên lửa Astra Mk 2, nó được cho là có khả năng đạt tầm bắn lên tới 160 km. Mặc dù các chi tiết kỹ thuật cụ thể vẫn còn khó nắm bắt, nhưng các khía cạnh quan trọng đã được xác định.

Điều quan trọng nhất là thực tế là rất giống với "đàn anh" trong dòng Astra, phiên bản Astra Mk 2 và cả Astra Mk 3 sẽ sử dụng chung nền tảng phóng, khiến việc nâng cấp tỏ ra khá đơn giản.

Tên lửa Astra Mk 2 được trang bị động cơ nhiên liệu rắn xung kép để mở rộng tầm bắn, đi kèm đầu dò radar mảng pha quét chủ động (AESA) và đầu nổ laser cận đích, nhằm tăng xác suất tiêu diệt đối tượng.