- Grab - Uber Đông Nam Á "về một nhà": Hành khách và lái xe được lợi gì?
- Toàn cảnh thị trường vận tải công nghệ sau thương vụ Grad mua Uber Đông Nam Á
- Uber, Grab sáp nhập - Ai được lợi?
Nhiều quan điểm trái chiều
Theo lộ trình được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra, trong tháng 7 này, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP để xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành. Tuy nhiên đến nay, qua rất nhiều cuộc họp lấy ý kiến, vẫn còn nhiều quan điểm bất đồng, từ lãnh đạo Bộ GTVT đến các doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia.
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho biết, kể từ khi chắp bút Dự thảo Nghị định, Bộ đã nhận được 254 nội dung góp ý về Dự thảo và gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định.
Hiện nay, Bộ vẫn nhận được các ý kiến góp ý và nghiên cứu tiếp thu 79 ý kiến; 21 nội dung sửa đổi bổ sung tập trung cắt giảm điều kiện kinh doanh, 9 nội dung có ý kiến khác nhau.
Bộ Giao thông nửa muốn "cởi trói" cho taxi công nghệ nửa muốn "nhốt lại" như taxi truyền thống
Lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận, bởi sự phức tạp cũng như liên quan đến nhiều thành phần kinh tế, người dân nên việc trình Dự thảo Nghị định lên Chính phủ bị chậm trễ.
Dù vậy, tại cuộc họp lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP sáng 13-7, các ý kiến vẫn phân chia làm 2 quan điểm, một bên cởi mở theo xu hướng công nghệ 4.0 cho rằng, nên cởi trói cho doanh nghiệp, từ taxi truyền thống đến taxi công nghệ. Vì doanh nghiệp được quyền kinh doanh và làm những gì pháp luật không cấm.
Song, một luồng quan điểm khác cho rằng, cần siết chặt, đưa vào quản lý đối với taxi công nghệ để công bằng với taxi truyền thống hiện nay.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, ranh giới giữa taxi và vận tải hợp đồng, xe taxi công nghệ rất mong manh. Đây là vấn đề hết sức bức xúc và Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi cần có sự điều chỉnh để tất cả các loại hình vận tải đảm bảo hoạt động công bằng theo đúng pháp luật.
Tuy vậy, nhìn nhận về loại hình vận tải công nghệ, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, Grab hoạt động tại Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật; đáp ứng yêu cầu quản lý ứng dụng công nghệ; đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp với hành khách… nên rất cần có quy định cụ thể để đưa vào quản lý.
Vừa muốn "cởi" vừa muốn "nhốt"
Bày tỏ lo ngại về việc Dự thảo Nghị định 86 vẫn muốn siết quản lý trong khi xu thế công nghệ 4.0 đã ào ào tràn vào, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, cơ quan Nhà nước không nên “gò ép” mô hình kinh doanh mới vào hệ thống pháp luật chưa có hoặc cấm, hạn chế. Ngược lại, cần có cách nhìn nhận mới và giải quyết xung đột với loại hình kinh doanh cũ.
Đại diện Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, theo Dự thảo hiện nay, doanh nghiệp công nghệ giống như taxi truyền thống cần phải xem xét lại, nếu cố đưa vào thì khi ban hành Nghị định ra sẽ triệt tiêu sáng tạo.
Do đó, đại diện CIEM đề xuất, nên chăng, Bộ GTVT xem lại điều kiện kinh doanh vận tải truyền thống do có quá nhiều điều kiện bó buộc, những rào cản về điều kiện kinh doanh khiến doanh nghiệp “chùn bước” và không tham gia vào kinh doanh vận tải.
“Không nên gò bó ý tưởng mới mà nên cởi trói những điều kiện kinh doanh cũ”, đại diện CIEM nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, kinh nghiệm một số nước như Singapore là không quản ứng dụng gọi xe Uber, Grab và vẫn tạo điều kiện taxi truyền thống nhưng có sự hỗ trợ về điều kiện kinh doanh đối với loại hình taxi truyền thống.
Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, cần có các điều kiện về kinh doanh vận tải để doanh nghiệp cung cấp hay ứng dụng phần mềm có trách nhiệm với tài xế, hành khách; đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố. Bộ GTVT sẽ tạo sân chơi cho taxi công nghệ nhưng phải đúng luật.
Về xung đột giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống, lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận, taxi truyền thống cần ứng dụng công nghệ để tăng cường quản lý nội bộ và phục vụ tốt quản lý Nhà nước. Taxi truyền thống phải thích nghi, nếu không sẽ bị đào thải. Song, Bộ trưởng Bộ GTVT lại bày tỏ: “Bộ mong muốn xe chở khách dưới 8 chỗ nên tham gia vào các hãng taxi, không khuyến khích chạy hợp đồng taxi điện tử!”.