Tập đoàn năng lượng Rosatom của Nga có thể kiện Siemens Energy của Đức

ANTD.VN -  Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Rosatom có ​​kế hoạch kiện một nhà sản xuất Đức vì không giao thiết bị dùng cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Akkuyu là nhà máy hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là dự án năng lượng lớn nhất trong lịch sử nước này. Đây là công trình do Công ty năng lượng Rosatom của Nga thực hiện nhưng việc xây dựng đã bị trì hoãn vì nhà cung cấp Đức đã không giao đủ thiết bị.

Ông Alexey Likhachev - Tổng Giám đốc Rosatom

Vào ngày 4-1, ông Alexey Likhachev - lãnh đạo cao nhất của tập đoàn Rosatom đã đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng đối với nhà cung cấp Đức, cụ thể là công ty năng lượng Siemens (Siemens Energy).

“Chúng tôi đã thấy thông tin đó trên phương tiện truyền thông nhưng hiện tại chưa có vụ kiện nào cả”, ông Tim Proll-Gerwe - Người phát ngôn của Siemens Energy nói.

Siemens Energy trước đây là công ty con Siemens về công nghệ năng lượng, nhưng vào năm 2020, họ đã trở thành một công ty độc lập và được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Siemens hiện sở hữu 17% Siemens Energy.

Ông Proll-Gerwe xác nhận rằng, Siemens Energy được cho là sẽ cung cấp thiết bị cách điện bằng khí cho hệ thống phân phối điện của nhà máy điện hạt nhân, thiết bị quan trọng cần thiết để kết nối nhà máy với lưới điện Thổ Nhĩ Kỳ.

Hợp đồng thực hiện việc này đã được ký với công ty Elektroavtomatika của Nga vào năm 2020, hai năm trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Theo trang web của công ty, Elektroavtomatika có trụ sở tại St. Petersburg là nhà cung cấp thường xuyên của Rosatom.

Cũng theo ông Proll-Gerwe, Siemens Energy đã chờ “một thời gian dài” để được Văn phòng Liên bang về Kinh tế và Kiểm soát Xuất khẩu cấp phép xuất khẩu.

Toàn cảnh Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu (NPP), một trong số dự án đầu tư năng lượng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong thời gian chờ đợi, các giấy phép cần thiết để xuất khẩu các linh kiện đã được cấp, Siemens Energy có thể đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng của mình tại dự án Akkuyu “nếu khách hàng vẫn muốn”.

Tuy nhiên, trong thời gian Siemens Energy chậm trễ, có vẻ như Rosatom đã tìm được sản phẩm thay thế và đang muốn đổ lỗi một phần dự án chậm tiến độ cho Siemens Energy và cơ quan cấp phép thủ tục của Đức.

Hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên được ký vào năm 2010. Đến 8 năm sau, công trình được khởi công và lò phản ứng đầu tiên dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động sớm nhất là trong năm 2025. Toàn bộ dự án dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2028.

Tháng 9 năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar đã nhắc đến việc công trình đã có thiết bị thay thế. Theo Hãng thông tấn Nga Interfax, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak giải thích rằng các thiết bị thay thế đã được mua từ “các quốc gia thân thiện” và một số đã đến nhà máy điện ở Akkuyu.

Nhưng liệu các công ty Đức có được phép hợp tác với các doanh nghiệp Nga trong một lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng hạt nhân hay không, khi mà quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục căng thẳng?

Hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu được nguyên thủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký lần đầu tiên vào tháng 5-2010

“Siemens Energy đã chấm dứt mọi hoạt động tại Nga sớm hơn và không còn bất kỳ mối quan hệ hợp đồng nào ở đó nữa. Siemens Energy hiện chỉ phải thực hiện các hợp đồng cũ, còn tồn đọng, được ký kết trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine. Nhưng tất nhiên, điều đó phải tuân theo quy định, ví như lệnh trừng phạt và hạn chế kiểm soát xuất khẩu”, Người phát ngôn của Siemens Energy nói.

Nếu được cấp giấy phép xuất khẩu, Siemens Energy có thể giao thiết bị cho nhà máy điện hạt nhân Thổ Nhĩ Kỳ mà không vi phạm các quy tắc xuất khẩu của Đức cũng như lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Tuy nhiên, có vẻ như khó có chuyện Rosatom sẽ thay thế các lô hàng của Trung Quốc bằng thiết bị Đức giao trễ. Vì vậy, có khả năng Siemens Energy có thể phải ra tòa đối diện với công ty năng lượng Nga.