- Tăng trưởng tín dụng mới đạt 3,79%, vẫn còn ngân hàng tăng trưởng âm
- Các ngân hàng công bố lãi suất cho vay trung bình, ngân hàng nào thấp nhất?
- Tín dụng ngân hàng lấy lại sức bật
Nhiều nơi, tín dụng vẫn “dưới mặt đất”
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 3,79% so với cuối năm 2023, cách xa con số mục tiêu đề ra. NHNN cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.
Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.
“Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân” – bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết.
Tín dụng được kỳ vọng phục hồi khi khó khăn của doanh nghiệp, người dân dần được tháo gỡ |
Theo số liệu mà NHNN đưa ra, một số TCTD ghi nhận mức tăng trưởng thấp, thậm chí là tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, 4 NHTM nhà nước thì có đến 2 ngân hàng tăng trưởng thấp, có một số NHTM cổ phần tăng trưởng tín dụng chưa đến 1%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực. Có thể kể đến như: Techcombank (+10,35), NCB (+12,3%) LPBank (+10,6%)…
Xét tăng trưởng tín dụng theo quy mô địa phương thì nhiều địa phương tăng trưởng tín dụng âm như: Lào Cai (-7%), Gia Lai (-2,3%); Quảng Ninh, Phú Thọ, Nam Định, Bình Dương, Hải Dương.
Một số địa phương tăng trưởng dương như: TP.HCM (+1,19%), Hải Phòng (+1,37%), Hà Nội, Đồng Nai, Bình Phước tăng trên 4%....
Khó khăn đang dần được tháo gỡ
Tại Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, đến hết ngày 17/6, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,4% (tương đương 29.000 tỷ đồng). Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm là do trong danh mục tín dụng bán buôn của Vietcombank có nhiều khách hàng FDI, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu… Do tình hình kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến nhu cầu mua hàng trên toàn cầu sụt giảm đã ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng này.
Còn đối với tín dụng bán lẻ, thì dư nợ tiêu dùng với bất động sản là phần lớn; thời gian qua thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân bị hạn chế… dẫn đến người dân e dè trong việc đầu tư mua sắm. Trong bối cảnh như vậy, theo lãnh đạo Vietcombank, đạt được mức tăng trưởng tín dụng này đã là thành công với ngân hàng.
Tại BIDV, tín dụng ngân hàng khá khả quan với mức tăng trưởng đạt 4,7%. Tuy nhiên, lãnh đạo BIDV cho biết, chỉ có Hà Nội, TP.HCM và Nam Trung Bộ có mức tăng tốt, còn lại tăng chậm, thậm chí là âm so với cuối năm 2023.
Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm, theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, là do doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, năng lực tài chính giảm sút, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh tăng cao do gặp phải khó khăn thời hậu Covid-19, xung đột chính trị nhiều nơi trên thế giới, thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng trong dân cư giảm…
Ở nhóm NHTM cổ phần, VIB cho biết, đến ngày 31/5 tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng mới đạt 1,14%, dự kiến cuối quý II sẽ đạt khoảng 2%. Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm là do đặc thù tệp khách hàng của VIB chủ yếu là khách hàng cá nhân, vậy nên những khó khăn của nền kinh tế, của thị trường bất động sản… đã tác động mạnh đến nhu cầu mua sắm của các khách hàng, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Tại ABBank, lãnh đạo Ngân hàng cũng cho hay, trong các tháng đầu năm, ngân hàng ưu tiên bảo vệ danh mục tín dụng. Theo đó, ABBank đã rà soát các khách hàng, khách hàng nào tốt thì ngân hàng chủ động tăng hạn mức, khách hàng có cơ hội hồi phục thì ngân hàng mạnh dạn cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02. Với nhóm khách hàng không thể cơ cấu lại, ngân hàng tập trung thu hồi nợ. Tính từ năm ngoái đến nay, tổng số nợ thu hồi thuộc nhóm khách hàng này khoảng 8.000 tỷ đồng.
“Đến nay, tăng trưởng tín dụng tại ABBank ghi nhận mức âm 10,88% nhưng chúng tôi thấy rất may mắn là thu hồi được nợ xấu”, ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank chia sẻ.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, từ nay đến cuối năm, với những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm sẽ khả quan.
NHNN cho biết, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu CSTT; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động...