Tăng cường quản lý các kỳ thi tuyển sinh riêng của trường đại học

ANTD.VN - Năm 2025, các cơ sở giáo dục đại học có xu hướng bỏ dần xét tuyển bằng kết quả học tập THPT và tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Được biết, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các kỳ thi này.

Sẽ ban hành quy chế giám sát chất lượng các kỳ thi riêng

Tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 diễn ra mới đây, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm yêu cầu đánh giá đúng năng lực học sinh, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời kết quả của kỳ thi cũng làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, có sự phân hóa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

ĐH Bách khoa sẽ tổ chức thi đánh giá tư duy từ tháng 1-2025

Việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp, nhiều em điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích, tạo tâm lý xã hội không tốt cho hàng nghìn thí sinh và phụ huynh. Vì vậy các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành trong quy chế tuyển sinh quy định cụ thể về mặt quản lý Nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng kỳ thi. Quy trình xây dựng ngân hàng đề thi phải không vượt quá Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điểm này rất quan trọng và để học sinh không phải ôn thi riêng có thể phá vỡ việc dạy và học ở các trường phổ thông. Quy trình tổ chức thi bảo đảm an toàn thống nhất và tránh nhiều hình thức gây khó khăn cho học sinh ôn thi; hiện nay mỗi trường đang sử dụng một hình thức khác nhau.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đề xuất thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm cần phải sau khi kết thúc chươ̛ng trình và kế hoạch năm học, tức ngày 31-5 hàng năm. Điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm cần được công bố sau thời gian này, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh.

ĐHQG Hà Nội thông báo ngày 8-2-2025 cổng đăng ký dự thi kỳ thi HSA năm 2025 chính thức được mở

Trường đại học đẩy sớm các kỳ thi xét tuyển riêng

Hiện cả nước có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do các trường đại học tổ chức. Trong đó, kỳ thi của Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Hà Nội đông thí sinh và được nhiều trường dùng để xét tuyển nhất.

Ngày 2-11, Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức công bố kế hoạch thi đánh giá tư duy (TSA) năm 2025. Theo đó, để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT, từ năm 2023, nội dung và hình thức thi TSA đã được thực hiện theo đúng thiết kế và giữ ổn định trong nhiều năm tới. Theo đó, bài thi gồm 3 phần thi: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). Đây là 3 phần thi độc lập, câu hỏi thi sẽ tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh trong mỗi phần thi, không đi vào kiểm tra trực diện kiến thức của môn học nào. Hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính, kết quả thi sẽ có giá trị trong 2 năm để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học.

Nhiều công nghệ khảo thí hiện đại đã được áp dụng cho kỳ thi như công nghệ xây dựng câu hỏi thi tư duy chuẩn hóa, lý thuyết cầu trong đề thi, công nghệ chấm thi theo mô hình IRT nhiều tham số, công nghệ check-in tự động theo thẻ CCCD có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để định danh thí sinh đến dự thi nhằm chống triệt để việc thi hộ và gian lận trong thi cử... Trong năm 2025, kỳ thi TSA dự kiến tổ chức trong 3 đợt thi vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có từ 3 - 4 kíp thi tại 30 điểm thi. Ngoài các điểm thi trước đây, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ mở thêm điểm thi mới để hỗ trợ các em học sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc (điểm thi tại tỉnh Lào Cai). Theo đó, kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thi.

Theo lãnh đạo nhà trường, mục tiêu của bài thi TSA là đánh giá 3 năng lực tư duy nền tảng của học sinh, đây là những yếu tố quan trọng giúp học sinh có thể học tập tốt nhất tại môi trường giáo dục đại học. Kỳ thi TSA được tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ứng dụng những công nghệ khảo thí tiên tiến, tiếp cận với các kỳ thi đánh giá tư duy hiện đại trên thế giới, như SAT, ACT... Đợt 1 kỳ thi sẽ diễn ra trong ngày 18 và 19-1, ngày mở đăng ký 1-6. Đợt 2 thi ngày 8 và 9-3, ngày mở đăng ký là 1-6. Đợt 3 thi ngày 26 và 27-4, ngày mở đăng ký 1-6.

Trước đó, năm 2024 kỳ thi TSA diễn ra 6 đợt thi vào các ngày cuối tuần với 30 điểm thi mỗi đợt tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố gồm Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, đáp ứng cho gần 50.000 lượt thi với tổng số thí sinh dự thi là 21.000 thí sinh. Kết quả của kỳ thi đã được hơn 50 trường đại học sử dụng để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học năm học 2024 - 2025.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thông tin sớm về kỳ thi đánh giá năng lực HSA 2025. Ông Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cấu trúc của bài thi HSA năm 2025 được điều chỉnh phù hợp với việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các câu hỏi thi bao quát, gắn với các bài toán thực tiễn. Cấu trúc gồm 3 phần, gồm phần Toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút); phần Ngôn ngữ - Văn học (50 câu hỏi, 60 phút); phần Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).

Về hình thức, bài thi HSA năm 2025 được điều chỉnh chủ yếu ở phần Khoa học và cách đặt câu hỏi. Sau khi hoàn thành 2 phần thi đầu, phần thi thứ 3 thí sinh sẽ được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề thuộc lĩnh vực Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa để hoàn thành bài thi trong thời gian 195 phút (không kể thời gian bù thêm cho câu hỏi thử nghiệm). Về câu hỏi, cách đặt câu hỏi, nội dung câu hỏi trong bài thi HSA cũng sẽ có nhiều thay đổi, mỗi chủ đề thi sẽ xuất hiện câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi.

Trong một ngữ cảnh dữ liệu đầu bài sẽ hỏi kèm 1 - 3 câu hỏi khác nhau để đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh. Câu hỏi chùm có thể là chủ đề mới với ngữ liệu cho trước, đòi hỏi thí sinh phải nhận định, phân tích và đưa ra phương án giải quyết vấn đề đã cho. Riêng phần lựa chọn liên quan đến ngoại ngữ sẽ được xây dựng thành một hợp phần riêng thay thế phần khoa học để đánh giá năng lực chuyên biệt.

Ông Nguyễn Tiến Thảo nhắc nhở thí sinh, để hoàn thành tốt bài thi HSA, phải nắm chắc kiến thức cơ bản, không học tủ, không học mẹo khi làm bài thi đánh giá năng lực.