Mạo danh chuyên gia tài chính đình đám để lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều trang facebook đăng thông tin, thậm chí chạy quảng cáo các chương trình dạy đầu tư chứng khoán, trong đó sử dụng hình ảnh, tên tuổi của các chuyên gia tài chính nổi tiếng nhằm lừa đảo nhà đầu tư.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện hàng loạt các bài viết quảng cáo về các chương trình dạy đầu tư chứng khoán với sự xuất hiện của các chuyên gia tài chính nổi tiếng.

Đơn cử như một tài khoản mạng xã hội có tên Nguyễn Trí Hiếu có quảng cáo: Tôi là chuyên gia chứng khoán Nguyễn Trí Hiếu. Tôi sử dụng EMA MACD và STO để xác nhận phạm vi biến động giá và dự đoán xu hướng tương lai. Hầu như không có sai sót, tỷ lệ thắng lên tới 99%. Tỷ suất lợi nhuận vẫn trên 65%...” Theo đó, tài khoản này cho biết sẽ chia sẻ cách sử dụng kỹ thuật này miễn phí.

Một thông tin quảng cáo mạo danh TS Nguyễn Trí Hiếu

Một thông tin quảng cáo mạo danh TS Nguyễn Trí Hiếu

Trước tình trạng liên tục bị mạo danh, mới đây, TS Nguyễn Trí Hiếu đã phải lên tiếng trên mạng xã hội cảnh báo đến nhà đầu tư.

Theo vị chuyên gia, hiện nay, trên nhiều trang mạng xã hội có nhiều quảng cáo với các chương trình dạy đầu tư miễn phí và mời chào đầu tư mà họ phổ biến là do TS Nguyễn Trí Hiếu, đứng ra giảng dạy và tổ chức.

“Các quảng cáo này đã lợi dụng tên, hình ảnh và những phát biểu của tôi, để thu hút nhà đầu tư. Tất cả những quảng cáo này mang tính lừa đảo và gian lận" – TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

Vị chuyên gia cho biết, chưa bao giờ tổ chức những chương trình giảng dạy đầu tư chứng khoán hay kêu gọi đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư hãy cảnh giác và không tham gia những chương trình mạo danh này, tránh nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền bạc, gian lận.

"Xin đừng vì thấy tên tuổi của tôi dính với những quảng cáo này mà lầm tưởng chính tôi là người mời gọi tham gia những chương trình đầu tư lừa đảo này" – vị chuyên gia khuyến cáo.

Đây không phải là chuyên gia tài chính duy nhất bị lợi dụng tên tuổi để lừa đảo. Tên tuổi của chuyên gia tài chính đình đám TS Cấn Văn Lực mới đây cũng liên tục được sử dụng trong các bài viết mời gọi đầu tư "tham gia nhóm zalo của tôi, mỗi ngày chọn một cổ phiếu chất lượng; chọn cổ phiếu tăng giá trong tháng 11…".

TS Cấn Văn Lực khẳng định, ông không dùng mạng xã hội facebook và "tôi không bao giờ tham gia những chương trình đào tạo và huấn luyện đầu tư như vậy".

Vị chuyên gia khuyến cáo, các nhà đầu tư và người dân phải hết sức lưu ý khi có những thông tin quảng cáo như vậy. “Nhà đầu tư có thể gọi điện thoại hoặc là nhắn tin trực tiếp cho tôi để kiểm tra" – vị chuyên gia nói.

Hay trường hợp ông Trần Ngọc Báu, sáng lập và Chủ tịch HĐQT Công ty Dữ liệu và Tài chính WiGroup cũng bị hàng loạt trang facebook, tài khoản Zalo, TikTok mạo danh để mở lớp và nhận ủy thác vốn. Vị chuyên gia cho biết, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, cuộc sống và công việc.

Ông Báu khẳng định không bao giờ chạy quảng cáo bất cứ khóa học, hội thảo nào trên bất cứ kênh truyền thông nào; không dạy ai đầu tư làm giàu; không tư vấn hay nhận vốn bất cứ cá nhân nào.

Việc mạo danh các chuyên gia kinh tế, tài chính nổi tiếng để lừa đảo tiềm ẩn để lại hậu quả rất lớn. Bởi vì người bị mạo danh đa phần là các chuyên gia đình đám mà nhiều người biết đến, tin tưởng. Không chỉ đăng bài viết thông thường mà các tài khoản mạo danh này còn sẵn sàng trả tiền quảng cáo cho các nền tảng mạng để tiếp cận đến nhiều người xem hơn.