- Lừa thanh lý thẻ nghỉ dưỡng với giá cao, chiếm đoạt 2,4 tỷ đồng
- Lừa bán 'cổ phiếu nội bộ' chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng
Ngày 28/10/2024, Công an phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái kịp thời phối hợp với cán bộ Bưu điện thành phố ngăn chặn một vụ lừa giả danh cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái kịp thời phối hợp với cán bộ Bưu điện thành phố ngăn chặn một vụ lừa giả danh cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Theo đó, khoảng 15h, ngày 28/10, ông Đ.Đ.B, trú tại Tổ 14, phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái tỉnh Yên Bái đến Bưu cục Yên Bái Km5 làm thủ tục rút toàn bộ số tiền tiết kiệm trong tài khoản để chuyển qua một tài khoản khác. Tuy nhiên, do nhận thấy dấu hiệu bất thường, cán bộ Bưu điện đã gọi điện trình báo, trao đổi với Công an phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái để phối hợp xác minh, xử lý.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã kịp thời phối hợp với cán bộ Bưu điện thành phố Yên Bái làm rõ thủ đoạn lừa đảo của đối tượng. Đồng thời tuyên truyền, phân tích và giải thích cho ông B biết về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay.
Qua quá trình làm việc, Ông B cho biết, trước đó ông được một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an Hà Nội và yêu cầu ông B xác nhận các thông tin như họ và tên, số Căn cước công dân mà đối tượng cung cấp. Sau khi ông B xác nhận các thông tin là đúng, đối tượng thông báo với ông B rằng các giấy tờ cá nhân của ông đã bị một đối tượng sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội.
Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu ông B chứng minh thông tin cá nhân bằng số tài khoản ngân hàng, đồng thời yêu cầu ông B rút hết số tiền trong tài khoản để chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Tuy nhiên khi ông B đang tiến hành thủ tục rút tiền thì được cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Trước đó, ngày 14/10/2024 cũng tại Bưu cục Yên Bái Km5, Bưu điện thành phố Yên Bái, chị Lê Thu Hà, cán bộ Bưu điện Yên Bái đã kịp thời phát hiện và phối hợp với Công an phường Đồng Tâm ngăn chặn một vụ lừa đảo khác.
Theo đó, khoảng 15h cùng ngày, ông L.H.Đ - thường trú tại tổ dân phố số 10, phường Đồng Tâm đến Bưu điện Km5, TP Yên Bái để rút sổ tiết kiệm với số tiền 130 triệu đồng. Phát hiện dấu hiệu bất thường, cán bộ Ngân hàng tại Bưu điện đã trao đổi ngay thông tin đến Công an phường Đồng Tâm để phối hợp xác minh, xử lý tình huống.
Ban đầu cơ quan Công an xác định, ông Đ bị các đối tượng lừa đảo là cơ quan công an đe doạ bắt về hành vi mua bán ma tuý và rửa tiền, yêu cầu ông Đ phải rút hết tiền tiết kiệm để gửi cho bọn chúng. Sau khi được lực lượng Công an phân tích, giải thích rõ về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo hiện nay, ông Đ biết mình đã bị các đối tượng lừa đảo và kịp thời dừng việc chuyển tiền cho đối tượng.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Lương Huy Toàn, Phó trưởng Công an phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái cho biết, trong thời gian qua Công an phường Đồng Tâm đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Yên Bái kịp thời ngăn chặn nhiều vụ việc người dân đến yêu cầu rút hết số tiền tiết kiệm trong tài khoản để chuyển sang một tài khoản khác do các đối tượng lừa đảo cung cấp… hầu hết những người bị lừa đảo đều bị thao túng tâm lý dẫn đến hoang mang, lo lắng, không còn đủ bình tĩnh để nhận ra những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.
Hiện nay, với sự bùng nổ về khoa học, công nghệ nói chung và lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng, tình hình tội phạm công nghệ cao luôn có những diễn biến phức tạp, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng hết sức tinh vi với các chiêu trò hấp dẫn… Trong đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Các đối tượng thường giả mạo các cơ quan chức năng như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… với nhiều kịch bản, chiêu trò khác nhau nhằm lợi dụng tâm lý chung của người dân, là ngại dính líu đến pháp luật, cơ quan công quyền (đặc biệt là người lớn tuổi) nên các đối tượng lừa đảo thường thao túng tâm lý bằng cách dọa dẫm, tách nạn nhân ra khỏi người thân, bạn bè để không thể nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, đồng thời chúng tìm cách dồn ép nạn nhân phải chuyển tiền trong quãng thời gian ngắn mà chúng đặt ra…
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Yên Bái cảnh báo và khuyến cáo nhân dân cần đề cao cảnh giác khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ, tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc các cơ quan Nhà nước khác; khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, người dân cần dừng ngay các giao dịch với đối tượng, đồng thời thông báo với cơ quan Công an để xac minh thông tin; tuyệt đối không thực hiện các giao dịch theo yêu cầu khi chưa xác minh được các đối tượng, những trường hợp cần chuyển tiền.
Trước thực trạng trên, Thượng tá Lê Cao Bách, Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Yên Bái khuyến cáo người dân nâng cao hiểu biết để chủ động phòng, chống lại các hình thức lừa đảo; người dân cần phải nghiên cứu, nhận diện sớm các thủ đoạn, phương thức hoạt động của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thông qua các kênh thông tin chính thống như: báo, đài phát thanh, truyền hình chính thống…tham gia các trang, nhóm chính thống của cơ quan Công an, chính quyền các cấp để nắm được các âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo; không cài đặt các ứng dụng lạ; không mở các đường link lạ…