Bún bò Huế |
Mệt mỏi vì chuyến bay quá chậm, bực dọc vì cả buổi chiều vạ vật ở phòng chờ, chúng tôi bảo nhau phải đi ăn gì đó cho “hạ hỏa”. “Ăn gì ở Huế?” là một câu hỏi có vô vàn đáp án và đáp án nào cũng cho kết quả đúng một cách xuất sắc.
Nhất định phải ăn bún bò Huế!
Người bạn đồng hành của tôi khăng khăng: “Nhất định phải ăn bún bò Huế!”. Ban đầu cái thái độ đó khiến tôi hơi bất bình. Vì theo lẽ thông thường, gần nửa đêm người ta chỉ nên ăn món nhẹ nhàng, chứ cả tô bún bò với đầy đủ từ móng, thịt, đến chả cua, lại thêm miếng tiết núng nính… bao nhiêu là đạm thế, dạ dày chịu sao nổi. Dù nghĩ vậy, nhưng cũng gật cho xong chứ tranh luận món nọ món kia thì biết đến đời nào. Tìm kiếm nhanh thông tin trên mạng xã hội, một vài lời khuyên từ các trang review ẩm thực cho hay, giờ này chỉ có bún bò cuối đường Trần Cao Vân là còn mở bán. Đi bộ từ Võ Thị Sáu ra Trần Cao Vân để ăn bún bò trong lần đầu đến Huế thực hiện “tour ẩm thực 3 ngày 2 đêm” cũng là một thử thách với những người đang “đói con mắt” chúng tôi. Dọc đường đi đã toan “sa ngã” vào hàng chè, rồi đi qua hàng bánh mỳ lại cũng định nhào vào xếp hàng… nhưng rồi mọi cám dỗ đều không thắng nổi quyết tâm “nhất định phải đi ăn bún bò Huế!”.
Quán bún bò có cái tên rất showbiz là “Mỹ Tâm” mở tới khuya đó trông khá đơn giản nhưng khách ngồi chật kín vỉa hè. Không chỉ có du khách, dân bản địa qua ăn cũng đông, có gia đình 6-7 người ngồi kín một bàn. Lại có cả nhóm họp lớp, lưng áo có dòng chữ “Kỷ niệm 20 năm ra trường, mãi bên nhau bạn nhé!”. Chắc cả đám vừa liên hoan tới độ phải kiếm ngay một hàng bún ngon để ăn… giải rượu.
Tô bún bò Huế được bê ra. Ấn tượng đầu tiên là đầy đặn. Miếng móng giò to, choán luôn 1/3 cái tô, phần còn lại là thịt, chả cua và tiết. Mùi nước dùng đậm vị sả, mắm ruốc và đặc trưng của xương bò ninh kích thích vị giác đến tận cùng. Thêm chút ớt chưng cho cay đủ độ, ngay từ lúc thưởng thức gắp bún đầu tiên, tôi đã biết mình… sai lầm. Lý do là đã dám hoài nghi chuyện ăn đêm bằng bún bò Huế. Bát bún nóng, nước dùng ngậy và ngọt, thêm chút rau húng thơm cùng vài cọng giá mát mát khiến cho cơn mệt nhọc của chuyến bay như tan biến. Thế mới thấy sức mạnh của ẩm thực. Trước một món ăn ngon, con người ta dù trong lòng đang giông bão đến đâu cũng dịu lại và bao dung hơn.
Yêu Huế thì buộc phải trải nghiệm ẩm thực nơi này
Đến với Huế, nhất định phải thử bún bò Huế là vì thế, đó là “luật bất thành văn”. Muốn hiểu được Huế, yêu Huế thì buộc phải trải nghiệm ẩm thực nơi này. Bởi lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Huế được nhà Nguyễn chọn làm nơi định đô.
Thưởng thức bún bò Huế xong thì cũng nên biết lịch sử hình thành món ăn đó, đúng không? Bún bò Huế được đoán định ra đời từ thời chúa Nguyễn Hoàng (khoảng thế kỷ thứ 16). Tương truyền, xưa có cô Bún xinh đẹp, giỏi giang, thạo nghề làm bún. Tại làng Vân Cù (nay thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), cô Bún đã sáng tạo ra cách chế biến một món ăn mới: Lấy thịt bò nấu thành nước dùng cho món bún. Từ đó, món bún bò ra đời, được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Đến nay, bún bò Huế đã được cải biên với sự có mặt của nhiều nguyên liệu khác như giò heo, tiết lợn, chả cua,...
Một gánh bún bò Huế xưa ở Huế (ảnh tư liệu) |
Bây giờ, bún bò Huế theo chân dân xứ Huế di cư đi khắp các tỉnh thành, nghĩa là ở đâu cũng có bún bò Huế. Nhưng một tô bún bò Huế ăn ở Hà Nội lại khác hoàn toàn so chính tô bún đó ăn tại Huế, cho dù có mang tất cả nguyên liệu từ Phú Xuân ra Thăng Long mà nấu thì vị vẫn chẳng thể tương đồng. Phải chăng đó là tính vùng miền đặc trưng của ẩm thực, sự khác biệt về nguồn nước, hay còn lý do nào nữa thì không dễ giải thích. Tương tự, ăn phở Hà Nội ở Hà Nội đương nhiên phải khác ăn phở Hà Nội ở Huế, Đà Nẵng hay Sài Gòn.