Tại sao đặc nhiệm Nga loại bỏ súng ngắn nội địa để tin dùng của phương Tây?

ANTD.VN - Khá bất ngờ khi đặc nhiệm Nga không dùng các dòng súng ngắn do nền công nghiệp quốc phòng nước này sản xuất mà lại dùng súng Glock 17 do Áo phát triển do loại súng này có độ tin cậy hơn.

Tổng cục An ninh Liên bang (FSB) là đơn vị đặc nhiệm hàng đầu của Nga sở hữu mọi loại vũ khí và phụ kiện chiến thuật tiên tiến, tuy nhiên bất ngờ là trang bị súng ngắn tiêu chuẩn lại là hàng phương Tây thay vì của Nga.

Ngoài súng ngắn Glock 17 của Áo, họ còn trang bị súng trường tấn công MR-308 của Đức và súng bắn tỉa Mannlicher cũng do Áo sản xuất.
Theo một giảng viên chuyên huấn luyện lực lượng đặc nhiệm của FSB, các thành viên tinh nhuệ của an ninh Nga thường tin dùng ba mẫu vũ khí của phương Tây vì các ưu điểm của chúng so với sản phẩm nội địa.
"Súng Glock 17 do Áo sản xuất được sử dụng đại trà trong các đơn vị của chúng tôi vì đây là sản phẩm đáng tin cậy, có giá cả phải chăng nhất trên thị trường", giảng viên này cho biết.
Ông cho biết, vấn đề quan trọng nhất đối với súng ngắn là độ bền, nghĩa là súng có thể bắn được bao nhiêu phát trước khi hỏng một bộ phận nào đó.

Một khẩu Makarov hay Yarygin (giữa) có giá khoảng 300 USD và chỉ có thể bắn được 4.500 phát trước khi hoạt động thiếu ổn định.

Một khẩu Glock 17 bán tại Nga với giá khoảng 2.000 USD, cao hơn 4 lần so với Mỹ và châu Âu vì thuế và phí, song nó có thể bắn tới 300.000 phát mà vẫn đảm bảo độ tin cậy.
"Khoảng cách biệt về độ bền giữa các loại súng ngắn này là không thể tưởng tượng được", giảng viên đặc nhiệm Nga cho biết.
"Tôi từng hỏi quản lý một nhà máy quân sự lý do họ chế tạo súng có vòng đời chỉ đáp ứng được hai tuần huấn luyện ở thao trường. Họ trả lời rằng nghiên cứu về Thế chiến II cho thấy một người lính trung bình không thể bắn hơn 4.500 phát đạn trên chiến trường".
Khi đó giảng viên đặc nhiệm Nga mới nói rằng "chiến tranh đã kết thúc cách đây 70 năm và các đơn vị đặc nhiệm cần súng ngắn bắn được ít nhất 100.000 phát trước khi hỏng",
Ban quản lý nhà máy đáp lại rằng "hãy bắn ít hơn". Sau khi nhận câu trả lời này, lực lượng đặc nhiệm an ninh Nga dừng mọi cuộc đàm phán với công ty vũ khí nội địa và đặt mua súng lục Glock-17 của Áo.

Bởi theo vị giảng viên này, huấn luyện cường độ cao là yêu cầu bắt buộc của một lực lượng đặc nhiệm giỏi, nhất là lực lượng FSB của Nga.

Chất lượng súng ngắn trở thành vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga nhiều thập kỷ qua.

Tập đoàn Kalashnikov hồi tháng 5/2021 công bố súng ngắn MPL chuyên dùng cho đặc nhiệm Nga, song tới nay vẫn chưa có thêm thông tin về việc trang bị loại súng ngắn này.

Chính vì vậy, súng ngắn Glock 17 vẫn đang được đặc nhiệm Nga tin dùng, bởi đây là loại súng lục đặc biệt, không giống với bất kỳ phiên bản súng ngắn nào từng được thế giới chế tạo trước đây.
Duy trì hỏa lực mạnh mẽ nhưng trọng lượng khẩu súng lại rất nhẹ nhờ vào thành phần được làm từ nhựa cao phân tử. Súng lục Glock chỉ nặng hơn 600g.
Súng lục Glock 17 cũng hết sức đơn giản, chỉ với 34 bộ phận. Đối thủ Beretta 92F thậm chí còn có tới 70 bộ phận.
Glock 17 sử dụng nguyên tắc nạp đạn bằng phản lực do chính viên đạn tác dụng lên pit tông khi khai hỏa.
Trong khi khai hỏa, nòng di chuyển ngược về phía sau khoảng 3 mm, cho đến khi viên đạn rời khỏi nòng và áp lực trong buồng đạn giảm xuống mức an toàn.
Khẩu súng nguyên bản chỉ có chế độ bán tự động, tuy nhiên một số mẫu cải tiến còn có thêm chế độ tự động hoàn toàn với khả năng lựa chọn chế độ bắn.

Trong suốt cuộc đời, nhà sáng chế Gaston Clock đã dành phần lớn thời gian để cải tiến khẩu súng ngắn Glock với các biến thể khác nhau.

Ông muốn súng lục bán tự động do mình chế tạo thân thiện hơn với bàn tay và mắt của người sử dụng, giúp ngắm bắn nhanh và chính xác hơn.
Glock 17 cũng là khẩu súng có thể mang theo cơ số đạn lớn nhất khi đó. So với các đối thủ cạnh tranh, Beretta 92 là đáng chú ý nhất với 15 viên đạn. Các khẩu súng ngắn Nga thời điểm đó chỉ có khoảng 8 viên.
Trong vòng 35 năm kể từ khi loại súng ngắn này ra đời, Glock trong đó nổi bật nhất là phiên bản Glock 17 đã trở thành biểu tượng của súng lục trên thế giới, bất chấp sự cạnh tranh của những đối thủ mới xuất hiện.
Glock 17 phục vụ trong nhiều đơn vị quân đội, đặc nhiệm trên thế giới như quân đội Anh, Thụy Điển, Ấn Độ, Iraq, Israel, Yemen, Nga...

Riêng tại Mỹ, lực lượng biệt kích, thủy quân lục chiến thì tin dùng phiên bản nhỏ gọn mang tên Glock 19, trong khi lực lượng đặc nhiệm Delta Force thì lại ưu thích phiên bản Glock 22.