Sức mạnh tàu hộ vệ tên lửa Gepard tăng gấp 3 lần

ANTD.VN - Nga đang tích cực chào bán phiên bản nâng cấp của tàu hộ vệ tên lửa Gepard - Dự án 11661 tại các triển lãm quân sự trên thế giới.

Tàu hộ vệ tên lửa Gepard hiện chỉ được trang bị 8 quả đạn chống hạm 3M24 Uran-E hoặc 3M54 Kalibr-NK, nhưng mới đây Nga đã giới thiệu biến thể nâng cấp với sức mạnh vượt trội.

Theo đại diện nhà sản xuất, kho vũ khí trang bị cho các tàu hộ tống Dự án 11661 Gepard phiên bản xuất khẩu sẽ tăng gấp 3 lần - thay vì 8 tên lửa hành trình chống hạm Uran-E, con tàu sẽ được tích hợp bệ phóng cho 24 tên lửa hành trình Kalibr-NK.

Khả năng phòng không của con tàu cũng được tăng cường - nhờ 8 hầm phóng thẳng đứng của tổ hợp phòng không Resurs mới nhất (tên xuất khẩu của hệ thống phòng không Poliment - Redut mà Hải quân Nga sử dụng).

Với cấu hình vũ khí trên, tùy thuộc vào độ thân thiết của bên mua mà Nga sẽ bán cho họ phiên bản tên lửa chống hạm Kalibr-NK tầm xa 600 km hay 300 km, tương tự với đạn phòng không, đó sẽ là 9M96E1 tầm xa 30 km hoặc 9M96E2 cự ly 120 km.

Điểm độc đáo của tên lửa phòng không thuộc họ 9M96 đó là nó còn có thể dùng để tấn công mục tiêu mặt nước như tàu, xuồng cỡ nhỏ có giá trị thấp nhờ khả năng phản ứng rất nhanh, không cần phải huy động loại đạn chống hạm đắt tiền như Kalibr.

Như vậy tàu hộ vệ tên lửa Gepard nâng cấp sẽ sở hữu sức mạnh thậm chí còn vượt xa nhiều chiến hạm với lượng giãn nước 3.500 - 4.000 tấn.

Tuy nhiên cấu hình vũ khí trên cũng sẽ làm tăng lượng giãn nước của tàu lên ít nhất 2.500 tấn, đồng thời khách hàng nhiều khả năng sẽ phải bỏ thêm khoảng 100 triệu USD để sở hữu một chiến hạm loại này.

Không chỉ có vậy, vấn đề khó khăn nhất với Nga hiện nay là động cơ turbine khí, sau khi chịu các lệnh cấm vận từ Ukraine và phương Tây thì Moskva chưa biết tìm nguồn hàng thay thế ở đâu.

Hiện tại Nga vẫn chưa sản xuất được thiết bị máy động lực như vậy.

Cần nói thêm rằng NPO Saturn của Nga đã tiến hành công việc phát triển phát triển động cơ turbine khí trong vài năm, nhưng chúng vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm nhằm đánh giá đầy đủ ưu nhược điểm.

Hơn nữa giới chuyên môn còn phát hiện ra, động cơ sản xuất trong nước được dành cho các tàu mạnh hơn, đặc biệt là chiến hạm Dự án 22350. Nga thậm chí không tiến hành phát triển động cơ cho tàu hạng nhẹ, bao gồm cả lớp Gepard.

Lựa chọn khả thi nhất là Nga có thể mua động cơ của Trung Quốc để lắp cho những chiếc Gepard, tuy nhiên khi đó họ lại đối diện rắc rối mới đó là chưa chắc đã có khách hàng nào chấp nhận phương án trên.

Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk chưa có thêm một hợp đồng đóng tàu hộ vệ tên lửa Gepard nào, bất chấp họ đã giới thiệu vô số cấu hình của nó tại các triển lãm quân sự quốc tế.

Ngoài ra Đạo luật CAATSA do Mỹ ban hành, trong đó cho phép áp đặt lệnh trừng phạt đối với khách hàng mua vũ khí Nga cũng là một trở ngại không nhỏ mà Moskva cần thuyết phục đối tác vượt qua.