Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa đạn đạo Iskander của Nga đang áp sát Ukraine

ANTD.VN - Quân đội Nga được cho là đang chuyển tên lửa đạn đạo Iskander có thể mang đầu đạn hạt nhân tới khu vực phía tây, gần hơn với biên giới Ukraine.

Nhóm thu thập thông tin tình báo nguồn mở Conflict Intelligence Team (CIT) ngày 15/1 nhận định, Nga đã triển khai ít nhất hai lữ đoàn tên lửa Iskander thuộc biên chế Quân khu phía Đông tới khu vực biên giới phía tây.

Các bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy những đoàn tàu chở theo lượng lớn khí tài của Nga, trong đó bệ phóng tên lửa của tổ hợp Iskander bị nghi nằm sau lớp bạt kín.

CIT cho biết các chuyến tàu này có thể đã chở tổ hợp Iskander cùng nhiều khí tài khác tới gần nơi đóng quân của lữ đoàn tên lửa số 103 và 107. Các đơn vị trang bị tên lửa Iskander này nằm trong biên chế hai quân đoàn hợp thành số 35 và 36.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin trên.

Nga gần đây được cho là điều thêm khí tài chiến thuật tới khu vực phía tây gần Ukraine. Truyền thông Mỹ hồi tuần trước đưa tin quân đội Nga điều thêm trực thăng tấn công và vận tải tới khu vực, có thể mang lại lợi thế quan trọng trong trường hợp họ phát động tấn công Ukraine.

Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander-M được thiết kế để thay thế các tổ hợp tên lửa 9K79-1 Tochka-U đã lỗi thời.

Cho tới thời điểm hiện tại, Iskander-M được coi là loại tên lửa đạn đạo chiến thuật mạnh nhất của Nga hiện nay, cũng như của thế giới.

Iskander-M được coi là biểu tượng sức mạnh quân đội Nga. Hiện Mỹ và phương Tây chưa có loại tên lửa tương đương.

Bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu mà Nga triển khai loại vũ khí này tới, đều nhận được chú ý đặc biệt của Mỹ và các nước phương Tây.

Tầm bao quát của loại vũ khí này có thể bao phủ xuống Đức, Ba Lan và một số quốc gia châu Âu khác.

Tên lửa Iskander (định danh NATO gọi là SS-X-26), là tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch - chiến thuật hiện đại nhất được trang bị trong quân đội Nga hiện nay.

Loại tên lửa này chính thức đi vào biên chế quân đội Nga từ năm 2006.

Khác hoàn toàn với tất cả các chủng loại tên lửa đạn đạo đã từng được biết đến trước đó, “kẻ hủy diệt đến sau” - tên lửa Iskander được chế tạo trên cơ sở công nghệ “tàng hình” độc đáo của riêng người Nga – công nghệ tàng hình plasma.

Hiện tại loại tên lửa này cũng đã được Nga triển khai tại chiến trường Syria. Hình ảnh tên lửa Iskander-M mà vệ tinh của Israel chụp được trên chiến trường Syria.

Toàn bộ hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander bao gồm 6 thành phần chính đặt trên các xe tải chuyên dụng.

Đạn tên lửa Iskander được đặt trên xe cơ động, với mỗi xe mang được 2 tên lửa.

Có ba biến thể sửa đổi, đó là biến thể Iskander-E cho xuất khẩu, đạt tầm bắn tối đa 280 km, tầm bắn tối thiểu 50 km.

Biến thể Iskander-M được Quân đội Nga sử dụng, có tầm bắn lên tới 500 km.

Phiên bản Iskander-K đang thử nghiệm dự kiến có thể đạt tầm bắn tới 800km tuy nhiên khối lượng đầu đạn giảm xuống rất nhiều.

Đạn tên lửa thuộc phiên bản K và M cùng được lắp đặt trên xe mang phóng. Đạn thuộc hệ thống Iskander M bên phải và phiên bản K bên trái.

Xe mang phóng tên lửa được đặt trên khung gầm xe tải hạng nặng MZKT-7930, với hai đạn tên lửa mang theo khiến cho tổng trọng lượng đạt 42 tấn, chiều dài 12,7m, chiều cao khi hành tiến 3,3m, và chiều rộng 3m.

Xe tải hạng nặng này vốn được dùng để chuyên chở các loại vũ khí lớn, bao gồm cả một số phiên bản S-300, lẫn S-400.

Xe trang bị động cơ YaMZ-864 có công suất đạt 500 mã lực, cho phép vận tốc tối đa khi hành tiến trên đường nhựa là 70km/h và 40km/h khi chạy trên đường địa hình. Tầm hoạt động của xe khá rộng khi lên tới 1000km.

Đạn tên lửa của hệ thống Iskander-M có trọng lượng 3,8 tấn, chiều dài 7,3m và đường kính 0,93mm.

Tên lửa được trang bị đầu đạn nặng tới nặng tới 700kg với thuốc nổ công phá cực lớn. Phiên bản xuất khẩu rút xuống chỉ còn đầu đạn nặng 480kg.

Tên lửa Iskander kết hợp nhiều phương thức dẫn đường và điều khiển như: dẫn đường bằng ảnh vệ tinh GPS/GLONASS và điều khiển quán tính trên đường bay.

Khi chỉ dẫn đường và điều khiển bằng quán tính, sai số mục tiêu ở khoảng cách 280km là 30 mét, còn khi sử dụng điều khiển kết hợp cả ảnh vệ tinh và quán tính, sai số chỉ khoảng 2 mét.

Hệ thống định vị có khả năng liên kết thu thập các thông tin mục tiêu từ tất cả các phương tiện trinh sát trên không, mặt đất và vệ tinh.

Thời gian để hệ thống triển khai chiến đấu chỉ mất 2 phút, và chỉ 10 giây sau khi phóng là nó đã hoàn tất các nội dung công việc phức tạp, bao gồm: xác định điểm phóng, tính toán tham số đường bay, đầu dẫn quang học rà soát xong các thông tin địa hình, địa vật.

Đầu dẫn quang học của tên lửa (đoạn cuối phối hợp thêm ảnh vệ tinh hoặc các phương tiện truyền dẫn số liệu trinh sát trên không, trên mặt đất) có thể hoạt động tốt trong điều kiện đêm tối và nhiễu điện từ dày đặc.

Iskander có đầu đạn dạng chùm, đầu đạn mẹ chứa 54 đầu đạn con, có thể mang 10 loại đầu đạn khác nhau: đầu đạn phá; đầu đạn xuyên thép để chống xe thiết giáp; đầu đạn xuyên boong ke, hầm ngầm; đầu đạn cháy chống bộ binh; đầu đạn xung điện từ (để phá vỡ, đốt cháy các công trình điện, điện tử, các hệ thống máy tính…).

Loại Iskander-M mà quân đội Nga sử dụng còn có thể trang bị cả đầu đạn hạt nhân.

Không chỉ có tầm bắn xa và độ chính xác cao, Iskander còn có khả năng tàng hình để tăng khả năng xuyên qua hệ thống phòng không đối phương.

Ngoài lớp sơn phủ bằng vật liệu phức hợp đặc biệt, Iskander còn có kết cấu ngoại hình rất độc đáo: sau khi phóng nó nhanh chóng vứt bỏ các bộ phận lồi ra bên ngoài như: mấu, móc, khớp (để kết nối cơ học với hệ thống phóng) làm cho tên lửa tròn nhẵn hơn, giảm diện tích phản xạ làm các loại radar.

Hơn nữa, trong quá trình bay, nó liên tục cơ động đổi hướng so với hướng phóng ban đầu. Iskander có khả năng thực hiện các động tác thay đổi quỹ đạo bay đột ngột để tránh né.

Đồng thời nó có thể tạo ra 10 đầu đạn giả bằng công nghệ phản xạ kim loại đa diện, trong khi vẫn giữ được vận tốc siêu âm khoảng 2.100 m/s (gấp 6 lần vận tốc âm thanh). Do vậy, khả năng đánh chặn được Iskander là rất khó.

Hệ thống Iskander có khả năng tác chiến tốt trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ trong khoảng ±50 độ C, xe phóng có thể triển khai tại mọi địa hình đầm lầy, bãi bồi, cát lún.

Mỗi quả tên lửa Iskander có vòng đời khoảng 10 năm (vòng đời cơ bản, chưa tính nâng cấp), hoạt động liên tục trong 3 năm mà không cần bảo dưỡng lớn.