Người Việt sang Campuchia đánh bạc:

Sức hút của tấm bánh “vẽ”

ANTĐ - Trên phần đất giáp biên, Chính phủ Campuchia đã cho phép mở 36 sòng bạc và 34 trường gà nhằm tạo nguồn thu và hút khách du lịch. Các sòng bạc và trường gà này nằm tiếp giáp với địa bàn các tỉnh Bình Phước, Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, Gia Lai, An Giang. Chúng được xây dựng rất quy mô, có hầu hết các dịch vụ như ăn, nghỉ, vui chơi, giải trí, thậm chí cả gái mại dâm. 

Bên trong một casino ở Campuchia, người Việt Nam vây kín các bàn đánh bạc. Ảnh: VNE

Cái chết của những con thiêu thân

Nhằm hút khách, rất nhiều chủ sòng bạc và trường gà của Campuchia tổ chức các tour du lịch - đánh bạc và cho xe đưa đón miễn phí, bao ăn, uống dọc đường cho người Việt sang đánh bạc. Họ còn tung các chiêu tiếp thị, giới thiệu về địa điểm, sự hấp dẫn, ưu đãi đến các gia đình, doanh nhân giàu có tại các tỉnh, thành phố lớn. Ngoài ra còn có dịch vụ cho vay nóng, tức là người đi đánh bạc không cần mang theo nhiều tiền khi qua biên giới vẫn sẽ được vay tiền để đánh bạc, số tiền thắng hoặc thua sau khi đánh bạc sẽ được thanh toán tại Việt Nam. Khi đến biên giới, những người này phải để lại hộ chiếu tại cửa khẩu để an ninh cửa khẩu của Campuchia giữ, không được cấp thị thực và cũng không được đóng dấu kiểm chứng mà chỉ được phép vào trường gà hoặc sòng bạc đánh bạc.

Khảo sát của các cơ quan chức năng gần đây cho thấy trung bình mỗi ngày có khoảng 300 người Việt sang đất Campuchia đánh bạc, nếu vào ngày cuối tuần có thể lên đến 600 người/ngày. Trong đó những tỉnh có nhiều người tham gia đánh bạc bên kia biên giới là Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang… Những người đi đánh bạc chủ yếu ngụy tạo dưới con đường du lịch, thăm thân hoặc buôn bán để qua biên giới một cách hợp pháp tại các cửa khẩu chính thức với hộ chiếu thông thường (chiếm khoảng 80% tổng số người sang Campuchia đánh bạc). Một số khác đi theo đường mòn hoặc đường tiểu ngạch sang đất bạn.

Tình trạng người Việt sang đánh bạc và cá độ tại Campuchia đã gây ra những vấn đề rất phức tạp về an ninh trật tự. Nổi cộm nhất là vấn đề cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái pháp luật, ma tuý, mại dâm, mua bán vũ khí… Thực tế cho thấy, tuyệt đại đa số các con bạc sang đất Campuchia đánh bạc đều bị thua trắng tay và không có cơ hội đem tiền từ đất bạn về quê. Khi đó, họ đều tự nguyện hoặc bị dụ dỗ vay tiền với lãi suất “cắt cổ” và khi hết tiền phải trở về nước thì bản thân họ phải mang khoản nợ lớn. Nhiều người đã phải bán nhà, bán doanh nghiệp để trả nợ. 

Khó thoát vòng kim cô

Để đòi nợ, các chủ sòng bạc và trường gà ở Campuchia tổ chức thành các đường dây, thuê một số đối tượng người Việt đòi nợ thuê, sẵn sàng đánh dằn mặt con nợ hoặc phá hoại tài sản, đe dọa sự an toàn tính mạng con nợ và người thân để họ phải trả tiền. Một số đối tượng giữ con nợ lại đất Campuchia, cho điện thoại về gia đình buộc người nhà mang tiền tới đối tượng đầu mối ở Việt Nam trả nợ hoặc trực tiếp phải cầm sang Campuchia chuộc người về nếu không con nợ sẽ bị cắt tai, chặt tay hoặc bị tra tấn dã man. Điển hình trong năm 2011, lực lượng Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Công an Campuchia giải cứu thành công anh Nguyễn Minh Tân và Trương Toàn bị giam giữ trái phép ở xã Bavet, thành phố Svay Riêng (Campuchia) sau khi hai anh này sang Campuchia đánh bạc, bị thua, phải vay tiền chơi tiếp và đã bị chặt đứt ngón tay gửi về gia đình đòi tiền chuộc 2.000 USD. 

Một số đối tượng bất hảo hoặc trốn truy nã sau khi phạm tội trên đất Việt Nam đã tìm cách trốn sang Campuchia làm bảo kê thuê cho các sòng bạc ở đây và trực tiếp khống chế người Việt sang đánh bạc. Chúng sẵn sàng quay lại Việt Nam theo yêu cầu của chủ thuê để đòi nợ hoặc bắt giữ, sát hại con nợ. Tháng 7-2011, lực lượng Công an Việt Nam đã bắt khẩn cấp 4 đối tượng ở TP Hồ Chí Minh có hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Các đối tượng này đã trốn sang Campuchia làm bảo kê cho các sòng bạc, trực tiếp giam giữ anh Nguyễn Thế Vinh (là con nợ của sòng bạc) trong nhiều ngày, tra tấn và ép anh Vinh điện thoại về nhà yêu cầu nộp tiền trả nợ. Sau đó, các đối tượng này tiếp tục khống chế, đưa anh Vinh về TP Hồ Chí Minh giam giữ để đòi nợ thì bị bắt. Rất nhiều đối tượng buôn bán ma tuý người Việt cũng tìm cách sang các sòng bạc để bán ma tuý cho các con bạc người Việt. Gái mại dâm từ Việt Nam cũng tìm đường sang cộng tác, kinh doanh “vốn tự có” ở các sòng bạc, đáp ứng nhu cầu “xả xui”, “giải đen” của các con bạc đang thua cháy túi muốn tìm cách gỡ gạc. 

Hậu quả từ việc sang Campuchia đánh bạc còn là tan vỡ hạnh phúc gia đình, vi phạm kỷ luật cơ quan, thậm chí là vi phạm pháp luật. Rất nhiều con bạc là công chức sau khi thua bạc đã trở về cơ quan, buộc phải thực hiện các hành vi tham ô, tham nhũng, trộm cắp tài sản của cơ quan, Nhà nước để lấy tiền trả nợ. Một số con bạc rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình là vụ án gây xôn xao dư luận khi Trần Thuý Liễu (ở thành phố Tân An, tỉnh Long An) sau nhiều lần cùng người tình là Nguyễn Văn Tâm (nguyên cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An) sang Campuchia đánh bạc, rơi vào tình trạng nợ nần với số tiền lớn. Liễu thuyết phục chồng là nhà báo Hoàng Hùng bán nhà để trả nợ không được, đã mua xăng đổ lên người và thiêu chết chồng. 

Việc đấu tranh, xử lý người Việt sang Campuchia đánh bạc cũng gặp rất nhiều khó khăn khi Campuchia không coi hành vi đánh bạc là vi phạm pháp luật. Chính phủ hai nước cũng chưa có thoả thuận chính thức về việc phối hợp xử lý hành vi đánh bạc. Trong khi đó, hằng ngày vẫn có rất nhiều người Việt sang đất bạn ném tiền vào sòng bạc. Phía sau đó là hệ lụy, họ đang và sẽ gây ra cho đất nước, gia đình, cơ quan và chính bản thân.