Số phận thông dịch viên Afghanistan từng tham gia giải cứu ông Biden năm 2008

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Aman Khalili - người thông dịch viên đã giúp giải cứu ông Joe Biden trong trận bão tuyết năm 2008 ở Afghanistan đã rời khỏi nước này một cách an toàn vào tuần trước.
Thông dịch viên Mohammad Aman Khalili từng tham gia chiến dịch giải cứu các thượng nghị sĩ Mỹ trong bão tuyết năm 2008

Thông dịch viên Mohammad Aman Khalili từng tham gia chiến dịch giải cứu các thượng nghị sĩ Mỹ trong bão tuyết năm 2008

Aman Khalili và gia đình được cho là đã lái xe 144 giờ đồng hồ và thoát khỏi Afghanistan với sự giúp đỡ của các cựu quân nhân Mỹ và Afghanistan. Sau khi Kabul thất thủ vào tay Taliban hồi tháng 8-2021, Aman Khalili cùng vợ và 5 người con đã không thể ra nước ngoài trong cuộc không vận khẩn cấp. Gia đình họ đã ở ẩn nhiều tuần trước khi sang Pakistan và sau đó lên máy bay của Mỹ đến Doha (Qatar), nơi hàng nghìn người tị nạn từ Afghanistan đang được nhà chức trách Mỹ xử lý.

Thời điểm 1,5 tháng trước, một nhóm vũ trang ăn mặc giống như Taliban xuất hiện tại ngôi nhà an toàn của Mohammad Aman Khalili ở Kabul khiến ông rất lo sợ. Hóa ra, đó là đội đặc nhiệm có nhiệm vụ bí mật hộ tống gia đình ông ra khỏi thành phố. Người dẫn đầu nhóm 10 người đến cứu ông có biệt danh Rollin nói tiếng Anh hoàn hảo, nhưng Khalili vẫn lo lắng về việc đặt niềm tin vào một người đàn ông mà mình chưa từng gặp.

Khalili đã có 9,5 năm hợp tác với quân đội Mỹ trong vai trò thông dịch viên. Ông rời bỏ công việc sau khi bị ốm và cảm thấy “không còn thích hợp nữa”. Trước khi Taliban nổi lên, ông làm nghề lái xe taxi. Khalili cho biết, ông đã nộp đơn vào chương trình định cư của Mỹ từ 16 năm trước nhưng bị từ chối. Vào tháng 7-2021, ông đã nộp đơn lại vì cảm thấy rằng tình hình sẽ trở nên rất căng thẳng, một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra và ông đặc biệt lo lắng cho cuộc sống của gia đình mình.

Tuy nhiên, ông đã không thể xin được thị thực Mỹ trước khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan. Trong một câu chuyện đăng trên Tạp chí phố Wall vào cuối tháng 8-2021, người đàn ông này nhắn nhủ: “Xin chào Tổng thống! Hãy cứu tôi và gia đình tôi”. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki sau đó đã cam kết sẽ giúp đỡ Khalili và gia đình ông, những người đã trốn trong một ngôi nhà an toàn ở Kabul. Họ không thể lên chuyến bay tị nạn từ tỉnh lẻ Mazar-i-Sharif, một phần vì họ không có hộ chiếu Afghanistan. Vì thế, gia đình họ đã lén lút đi qua đường bộ trong 2 ngày để đến biên giới Pakistan, rồi vượt qua biên giới hôm 5-10. “Sau 144 giờ lái xe cả ngày lẫn đêm và vượt qua rất nhiều trạm kiểm soát, gia đình tôi đã rất sợ hãi, nhưng bây giờ chúng tôi đã an toàn” - người đàn ông Afghanistan nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp thị thực nhập cư nhanh cho Khalili và gia đình ông, nhưng không phải người Afghanistan nào cũng có được sự ưu ái hay may mắn như vậy.

Năm 2008, Khalili đang làm thông dịch viên cho quân đội Mỹ thì Thượng nghị sĩ Biden và 2 nhà lập pháp khác là Chuck Hagel và John Kerry đến thăm Afghanistan. Khi đó, cơn bão tuyết buộc chiếc trực thăng quân sự chở các chính trị gia Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống một thung lũng hẻo lánh cách căn cứ Bagram hơn 30km. Khalili tham gia một đơn vị quân đội lái xe nhiều tiếng từ căn cứ không quân Bagram bất chấp thời tiết khắc nghiệt để giải cứu họ. Ông Khalili không nhớ nhiều về cuộc giải cứu ông Biden năm 2008, ngoại trừ đó là nhiệm vụ duy nhất mà ông cảm thấy mình đang làm việc như một binh sĩ Mỹ thực thụ. “Chỉ huy nói với tôi, bất cứ khi nào giao tranh trở nên căng thẳng, anh được phép có một khẩu súng trường để bắn vào kẻ thù. Việc đó thực sự không bình thường” - ông kể.

Người cựu thông dịch viên cho biết, ông biết ơn vì Tổng thống Biden đã giữ lời hứa và mong được trực tiếp thể hiện tình cảm này. “Điều đầu tiên, nếu có cơ hội, tôi phải gặp ân nhân của mình, ngay cả khi ông ấy là Tổng thống Mỹ. Tôi phải đến chào và nói với ông ấy rằng: “Là tôi, Aman Khalili đây. Tôi đã làm việc cùng quân đội Mỹ, từng có mặt để giải cứu ngài và những người khác”. Tất nhiên, người đàn ông này vẫn xác định: “Đó là mong muốn của tôi, nếu có cơ hội”.