Số phận đảo ngược từ quyền lực đến quá trình dẫn độ cựu Tổng thống Honduras

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hình ảnh cựu Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernández bị còng tay dẫn giải ra trước báo giới là màn đảo ngược đáng kinh ngạc đối với người đàn ông từng giữ quyền lực nhất ở đất nước Trung Mỹ.
Cựu Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernández (đứng giữa) bị cảnh sát áp giải từ nhà riêng ở Tegucigalpa theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ

Cựu Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernández (đứng giữa) bị cảnh sát áp giải từ nhà riêng ở Tegucigalpa theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ

Trong thời gian làm Tổng thống từ năm 2014 cho đến tháng trước, ông Hernández nhận được sự ủng hộ của Mỹ để mở cuộc chiến chống ma túy và một số nhà ngoại giao không thấy lựa chọn nào tốt hơn. Nhưng chưa đầy 3 tuần sau khi hết nhiệm kỳ, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu dẫn độ cựu lãnh đạo này và coi vụ việc này như một ví dụ điển hình về nạn tham nhũng trong khu vực.

Cựu Tổng thống Hernández được dẫn đến Tòa án Tư pháp Tối cao Honduras vào sáng 16-1 để hầu tòa lần đầu. Vài giờ sau, phát ngôn viên của Tòa án Melvin Duarte cho biết, thẩm phán đã bác đơn đề nghị của ông Hernández về việc được quản thúc tại gia và ra phán quyết rằng cựu Tổng thống sẽ bị giam giữ tại căn cứ của một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm trong khi chờ kết quả của quá trình dẫn độ. Một phiên tòa dự kiến diễn ra vào ngày 16-3 để nghe bằng chứng chứng minh các cáo buộc của Mỹ. Nhà cựu lãnh đạo bị bắt hôm 15-2 theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ với tội danh buôn bán ma túy, sử dụng vũ khí để buôn bán ma túy và âm mưu sử dụng vũ khí để buôn bán ma túy.

Trong khi đó, sự bất bình của người dân đối với Chính phủ ngày càng lớn ở Honduras vì họ không có đủ việc làm, các băng đảng đường phố kiểm soát nhiều địa phương, hạn hán và bão lụt tấn công. Người ta cho rằng, cựu Tổng thống Hernández là nguyên do cho tất cả những rắc rối này. Hàng nghìn người Honduras đã rời bỏ đất nước đi lánh nạn mà không có gì ngoài bộ quần áo trong ba lô. Các đoàn người di cư đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Ilchis Álvarez, một người Honduras di cư ở miền Nam Mexico, nói: “Thật tuyệt làm sao khi ông ta bị bắt, đó là một người tồi”. Tham gia biểu tình hôm 15-2 ở Tapachula, Álvarez cho biết: “Ông Hernández đứng đầu Chính phủ 12 năm, khiến rất nhiều người di cư vì tham nhũng tràn lan, thất nghiệp”.

Álvarez cho biết, anh ta đã mất việc trong một nhà máy sản xuất dây điện trong nhiệm kỳ Tổng thống của Hernández vì chính sách tăng thuế. Người đàn ông này tìm việc suốt 2 năm rồi trở thành lái xe taxi, nhưng vẫn không thể nuôi hai con của mình nên tháng trước, anh ấy đã đặt ra hy vọng di cư đến Mỹ. Một người di cư khác, Zayda Vayadares, thậm chí còn chưa nghe tin Hernández bị bắt, nhưng đã bày tỏ sự vui mừng. Đang đi du lịch với đứa con trai tự kỷ 6 tuổi của mình, cô cho biết chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ từ Chính phủ trong khi ngày thường người dân như cô luôn sống trong cảnh bị các băng nhóm tống tiền và đe dọa giết người.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jeff Merkley, người đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chống lại cựu Tổng thống Honduras cho biết: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được rằng Chính phủ Mỹ đang ủng hộ cựu Tổng thống Hernández bất chấp mối quan hệ chặt chẽ của ông này với những kẻ buôn bán ma túy. Trong đó, ông ta bị cáo buộc sử dụng quỹ vận động tranh cử và các nguồn lực của người đóng thuế để bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng ma túy đến Mỹ”.

Hôm 15-2, Phó Tổng thống Salvador Nasralla đã chia sẻ đoạn video ông Hernández bị dẫn ra khỏi nhà trong tình trạng bị còng tay: “Đây là điều đang chờ đợi những người đồng phạm của Juan Orlando Hernández, người đã tạo ra rất nhiều đau đớn, di cư và chết chóc cho người dân Honduras”. José Heriberto Godoy, một doanh nhân 34 tuổi ở Tegucigalpa, cho biết việc bắt giữ vị cựu lãnh đạo này chắc chắn sẽ xảy ra. “Đó thực sự là những gì chúng tôi mong đợi”. Tuy nhiên, hình ảnh đó cũng khiến nhiều người cảm thấy đáng tiếc bởi nếu cựu Tổng thống phạm tội, ông sẽ bị trả giá nhưng việc ông bị còng tay giữa đám đông chỉ chưa đầy 1 tháng rời nhiệm khiến Honduras mất uy tín trước cộng đồng quốc tế.