Số ca nhiễm gia tăng, Trung Quốc vẫn kiên định với chính sách “Zero-Covid”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở các thành phố lớn của Trung Quốc, trong bối cảnh trung tâm sản xuất toàn cầu đang chống chọi với đợt bùng phát dịch và chính sách “Zero-Covid” chưa có dấu hiệu thay đổi.
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ ngừng theo đuổi chính sách “Zero Covid”

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ ngừng theo đuổi chính sách “Zero Covid”

Nhiều ổ dịch mới phát sinh

Theo cơ quan y tế Trung Quốc, nước này ghi nhận 7.475 ca nhiễm Covid-19 trên toàn quốc vào ngày 7-11, tăng từ 5.496 ca một ngày trước đó và cao nhất kể từ ngày 1-5-2022. Con số gia tăng được cho là khiêm tốn so với tiêu chuẩn toàn cầu nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc, bởi chỉ cần phát hiện số lây nhiễm gia tăng, nhiều nơi yêu cầu xét nghiệm PCR cho toàn bộ người dân, phong tỏa các khu dân cư và thậm chí phong tỏa cả thành phố.

Đáng chú ý, Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, đã có thêm 2.377 trường hợp mắc mới trong ngày 7-11, một bước nhảy vọt đáng kể so với mức tăng chỉ hai con số cách đây 2 tuần. Thành phố 19 triệu dân phía Nam Trung Quốc, được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, phải đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Tại một cuộc họp báo hôm 6-11, các quan chức cáo buộc một số cư dân làm lây lan virus do vi phạm lệnh cấm, đi ra ngoài lấy nguồn cung cấp hàng ngày. Nhiều quận đã áp dụng các mức độ phong tỏa khác nhau nhưng cho đến nay, Quảng Châu không có ý định đóng cửa hoàn toàn như ở Thượng Hải hồi đầu năm nay.

Thượng Hải đã rơi vào tình trạng ngừng hoạt động vào tháng 4 và tháng 5 sau khi báo cáo hàng nghìn ca nhiễm mới hàng ngày trong tuần cuối cùng của tháng 3. Cùng với đó, số ca nhiễm mới cũng tăng nhanh ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, trung tâm và là cơ sở sản xuất chính cho nhà cung cấp Foxconn của Apple hay Trùng Khánh, Bắc Kinh.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi một làn sóng lây nhiễm mới và một chu kỳ mới về phong tỏa bắt buộc khi mùa đông đến gần. Diễn biến mới nhất đã trở nên khó đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sớm mở lại biên giới hay không và nhiều người băn khoăn rằng nhà chức trách Trung Quốc sẽ ứng phó thế nào: Giữ các biện pháp phòng dịch nới lỏng hay trở lại cách tiếp cận không khoan nhượng.

Cam kết gắn bó với chính sách “Zero-Covid”

Tuần trước, tin đồn trên mạng xã hội rằng Trung Quốc đang thành lập một ủy ban cấp cao để xoay trục chính sách “Zero-Covid” khiến cổ phiếu nước này tăng vọt. Nhưng tại một cuộc họp báo hôm 5-11, các quan chức y tế Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục với cách tiếp cận không khoan nhượng nhằm loại bỏ các ca bệnh Covid-19 ngay khi chúng bùng phát. “Thực tiễn đã chứng minh rằng, chính sách phòng chống và kiểm soát đại dịch cùng một loạt các biện pháp chiến lược của chúng tôi là hoàn toàn đúng đắn, tiết kiệm và hiệu quả nhất. Chúng ta nên tuân thủ nguyên tắc đặt con người và mạng sống lên hàng đầu và chiến lược rộng hơn là ngăn chặn số ca lây nhiễm do nhập từ bên ngoài và nội bộ tăng trở lại”, ông Hu Xiang, một quan chức cơ quan kiểm soát dịch bệnh Trung ương cho biết.

Tại Bắc Kinh, quy định về việc vào Thủ đô được thắt chặt trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 10 vẫn không được nới lỏng kể từ đó. Người dân phàn nàn về việc họ đi công tác hay rời khỏi Bắc Kinh thời gian đó nhưng ứng dụng y tế bật lên khiến họ không thể quay trở lại Thủ đô, cho dù kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Tao Siliang, một cư dân Bắc Kinh 81 tuổi nói rằng bà không thể trở về nhà sau chuyến đi đến tỉnh Chiết Giang. “Từ lâu tôi đã là một người điềm tĩnh, nhưng lần này tôi hoảng sợ, bởi vì lần đầu tiên nếm trải cảm giác mất mát và bất lực khi không thể trở về ngôi nhà của chính mình”.