Siêu tăng T-14 Armata vào biên chế Nga năm 2022, sự kỳ vọng liệu có thành hiện thực?

ANTD.VN -  Siêu tăng T-14 Armata vào biên chế quân đội Nga trong năm 2022, đây là khẳng định của Bộ Quốc phòng Nga. Tuy vậy không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi vì đã không dưới 3 lần, thời điểm định sẵn cho dòng xe tăng này đi vào biên chế đã không thực hiện được.
Siêu tăng T-14 Armata vào biên chế là điều mà giới yêu thích công nghệ quân sự Nga mong chờ. Mới đây Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận việc T-14 Armata sẽ chính thức vào biên chế trong năm sau.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết thêm rằng, một số chiếc thuộc lô sản xuất loạt đầu tiên đã bắt đầu được thử nghiệm sau khi xuất xưởng.

"Việc kết thúc các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước sẽ diễn ra vào năm 2022". Cục trưởng Cục Thiết giáp Chính (GABTU) của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Alexander Shestakov cho biết. Dù vậy ông lại không cho biết thời điểm ngày tháng cụ thể của việc này.
Trước đó, được biết quân đội Nga đã tiến hành thử nghiệm xe tăng T-14 Armata tại Syria. Tuy nhiên không có nhiều thông tin và hình ảnh liên quan đến việc thử nghiệm này.
Giới quan sát cho rằng, việc Nga đem xe tăng T-14 Armtata sang chiến trường Syria thử nghiệm ngoài mục đích kiểm tra tính năng, còn nhân sự kiện này để quảng bá cho việc xuất khẩu.
Hiện không rõ đã có bao nhiêu chiếc T-14 Armata đã được lắp ráp trong lô sản xuất hàng loạt đầu tiên dự kiến đi vào biên chế trong năm 2022.
Tính cho tới thời điểm hiện tại, ít nhất 3 lần xe T-14 Armata bị lỗi hẹn vào biên chế vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong đó chủ yếu đến từ vấn đề kỹ thuật bên cạnh việc ngân sách quốc phòng của Nga không được dồi dào do việc suy thoái kinh tế, cộng với việc họ đang phải gánh khoản chiến phí khổng lồ tại Syria.
Yếu tố kỹ thuật mang tính đột phá của dòng xe tăng T-14 Armata dù tạo ra những hiệu suất vượt trội, nhưng nó cũng tạo ra không ít thách thức.
T-14 Armata là một loại xe tăng chủ lực thế hệ thứ tư sở hữu khả năng cơ động tốt, bọc giáp chắc chắn cùng hệ thống hỏa lực mạnh mẽ được điều khiển bằng số hóa.
Không ít người cho rằng Nga đã phải bấm bụng sản xuất lô xe tăng T-14 Armata đầu tiên là để phô diễn và quảng bá cho sức mạnh quân đội cũng như xuất khẩu.
Lô tăng T-14 Armata đầu tiên sẽ được trang bị cho Trung đoàn xe tăng cận vệ số 1 thuộc Sư đoàn cơ giới hóa cận vệ số 2 mang tên Tamanskaya đồn trú ở ngoại vi Thủ đô Moscow và một phần ở Quân khu Phía Tây Nga.
Đây đều là những nơi có căn cứ quan trọng và mang tính cách "quảng bá" là chính, vì Nga muốn đánh tiếng rằng những "xe tăng cực mạnh" này sẽ được phân bổ ở những vị trí trọng yếu.
Một thông tin cũng rất đáng lưu ý rằng giữa năm 2018, Nga đã từng tạm dừng sản xuất thêm T-14 Armata với lý do rằng "T-72 còn tốt và không nhất thiết phải sản xuất T-14".
Cụ thể Phó Thủ tướng Nga lúc đó là ông Yuri Borisov thẳng thắn cho biết hôm 29/7/2018 rằng, "không nhất thiết phải trang bị xe tăng T-14 trong khi loại xe tăng T-72 vẫn đảm bảo năng lực chiến đấu".
Đây là tuyên bố khá bất ngờ khi dòng xe tăng T-72 đã có hơn 30 năm tuổi và biến thể nâng cấp T-72B3 đang bị nghi ngờ chất lượng khi liên tục hỏng hóc trên thao trường.
Sau thời gian im ắng, gần đây dòng xe tăng T-14 Armata lại tiếp tục nóng lên trên các mặt báo. Việc thông báo dòng tăng này chính thức đi vào biên chế là một tín hiệu đáng mừng cho quân đội Nga.
Theo Viện Nghiên cứu Khoa học vật liệu thép Nga, siêu tăng T-14 Armata được chế tạo bằng loại thép đặc biệt, có thể tác chiến tốt trong mọi điều kiện thời tiết.
Theo nguồn tin này, lớp giáp bảo vệ chính của xe tăng T-14 Armata được chế tạo bằng một thép mới có tên mã là 44S-SV-SH độ bền cực cao và có khả năng chống chịu lại được môi trường có nhiệt độ cực thấp ngay cả ở Bắc Cực.
Ưu điểm của lớp giáp bảo vệ chính của siêu tăng T-14 Armata là có trọng lượng nhẹ, nhờ các kỹ sư người Nga đã phát triển một loại thép đặc biệt có độ bền hơn các loại thép được sử dụng trước đây.
Thậm chí độ dày của một lớp giáp bảo vệ đã giảm 15% so với trước nhưng vẫn giữ nguyên khả năng bảo vệ của nó trước các tác động bên ngoài.

Xe tăng được trang bị hệ thống nạp đạn tự động, tháp pháo bao phủ bằng hệ thống bảo vệ từ mọi phía.

Xe sử dụng hệ thống radar mới nhất có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 100km. Đây là tính năng ít có dòng xe tăng khác có được.

Hệ thống thông tin liên lạc giữa các xe tăng T-14 Armata cũng rất hiện đại, chúng được đánh giá là không thua kém so với xe tăng AMX-56 của Pháp.

T-14 Armata được trang bị động cơ lên tới 1.500 mã lực, đây cũng là động cơ mạnh nhất dành cho xe tăng của Nga, giúp cho dòng xe tăng này có khả năng cơ động cực tốt trên chiến trường.

Với những đặc tính kỹ thuật đỉnh cao như vậy, xe tăng T-14 Armata của Nga khi vào biên chế sẽ được coi là một trong những mẫu xe tăng chủ lực tốt nhất thế giới.