Sau T-62, tới lượt hàng loạt xe tăng T-64 được Nga gọi tái ngũ cho chiến trường Ukraine?

ANTD.VN - Hình ảnh đoàn tàu hoả Nga chở những chiếc xe tăng T-64 di chuyển về hướng vùng chiến sự cho thấy, rất có thể Moscow sẽ phải tung dòng xe tăng vốn đã bị loại biên năm 2013 này vào tham chiến, sau nhiều tổn thất tại Ukraine.
Hình ảnh đoàn tàu hoả Nga chở theo các xe tăng T-64 đang làm dấy lên đồn đoán rằng, chúng sẽ được gọi tái ngũ và tung vào bổ sung cho chiến trường Ukraine.
Trong quá khứ, Nga từng sở hữu lượng lớn xe tăng T-64, tuy vậy tới năm 2013, chúng đã bị rút ra khỏi biên chế.
Tại thời điểm đó, Nga đang có tới khoảng 2000 chiếc T-64, chủ yếu là phiên bản T-64A và T-64B.

Khác với Nga, Ukraine liên tục nâng cấp dòng xe tăng T-64 để cho ra đời các biến thể hiện đại, trong đó có T-64BV và T-64BM Bulat.

Hiện dòng xe tăng T-64BM Bulat của Ukraine được đánh giá là có sức chiến đấu ngang ngửa với dòng T-90A của Nga.

Phía Nga chọn loại biên hoàn toàn xe tăng T-64 nhằm tập trung nâng cấp dòng xe tăng T-72B3 cũng như sản xuất mới dòng T-90A, giải pháp được cho là kinh tế hơn so với nâng cấp T-64, dòng xe vốn phức tạp và đắt đỏ trong chế tạo lẫn hoạt động.
Mặt khác do các nhà máy sản xuất T-64 nằm trên đất Ukraine nên giúp Kiev thuận tiện hơn Moskva trong việc nâng cấp dòng chiến xa huyền thoại này.
Có thể nói, dòng xe tăng T-64 đã mở ra một cuộc cách mạng trong chế tạo xe tăng, chúng được đánh giá là "dòng xe tăng quốc bảo" của Liên Xô.
Đây là dòng xe tăng đầu tiên trên thế giới trang bị giáp composite, hệ thống nạp đạn tự động cùng nhiều công nghệ tối tân khác lúc bấy giờ.
Nếu như T-54/55, T-62 và sau này là T-72 đều được xuất khẩu đại trà thì T-64 và T-80 (được phát triển từ T-64) lại bị Liên Xô cấm xuất khẩu nhằm bảo toàn công nghệ.
Chương trình phát triển T-64 được khởi động ngay từ giữa thập niên 1950 với đề án Object 430 tạo ra mẫu xe tăng vượt trội, đáp ứng yêu cầu từ các cuộc chiến chống lại xe tăng phương Tây thời bấy giờ.
Sau nhiều cải tiến, nghiên cứu và thử nghiệm, đến năm 1966 xe tăng T-64 mới được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng bộ trưởng Liên Xô chấp nhận trang bị cho Hồng quân.
T-64 có trọng lượng nặng 38 tấn, dài 9,22m, rộng 3,41m và cao 2,17m.
Xe tăng được trang bị hàng loạt công nghệ mới nhất thế giới khi đó, chủ yếu tập trung vào hỏa lực và giáp bảo vệ.
T-64 ban đầu được trang bị pháo 110mm, nhưng sau đó chúng nhanh chóng được lắp pháo nòng trơn 125mm có khả năng bắn tên lửa chống tăng có điều khiển qua nòng.
Đặc biệt, T-64 được tích hợp hệ thống nạp đạn tự động cho tốc độ bắn nhanh và nhất là rút bớt thành viên kíp lái xuống chỉ còn 3 thay vì 4 người như trước đây.
Hệ thống nạp đạn tự động của T-64 bằng thủy lực cho tốc độ nạp rất cao 6-13 giây/lần, độ tin cậy cao, ít bị hỏng do dằn xóc. Hệ thống nạp còn có chế độ nạp chuỗi nhanh hơn, lên tới 5 giây/lần.
T-64 cũng là xe tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng giáp composite có thể chống chịu mọi loại đạn xuyên giáp mà không cần tăng cường độ dày như giáp thép truyền thống.
Hệ truyền động của T-64 khá hiện đại với 4 con lăn hồi chuyển mỗi bên, bánh răng phát động với 12 răng, 6 bánh xích nhỏ và bề mặt lồi ra ngoài giống như đáy một con dấu.

Động cơ diesel đa nhiên liệu 5DTF 750 cho công suất 700 mã lực để xe tăng đạt tốc độ từ 45-60km/h, tầm hoạt động 500km hoặc 700km với thùng nhiên liệu gắn ngoài.

T-64 cũng có khả năng lội nước sâu tới 5m với khí tài ống thông khí hỗ trợ.

Sau khi Liên Xô tan rã, xe tăng T-64 được chia cho các nước cộng hòa - hai quốc gia chiếm nhiều nhất là Liên bang Nga (đến 4.000 chiếc) và Ukraine (2.345 chiếc).