Sau đòn không kích Mỹ đưa bộ binh vào tham chiến trực tiếp tại Syria?

ANTD.VN - Cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình được Mỹ cùng hai đồng minh Anh - Pháp tiến hành hôm 14/4 có vẻ như đã không gây ảnh hưởng mấy tới chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, chính vì vậy liệu Washington có tiến hành bước đi mạnh mẽ hơn bao gồm cả tung lính bộ binh vào tham chiến trực tiếp?

Như đã biết, hôm 14-4-2018 liên quân Mỹ - Anh - Pháp đã tổ chức cuộc tấn công vào các cơ sở trên đất Syria mà họ cáo buộc là nơi điều chế và tàng trữ vũ khí hóa học.

Hiệu quả của cuộc tấn công trên bị cho là khá hạn chế, khi vị thế của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vẫn được giữ vững, nhất là khi dân chúng thủ đô Damascus còn đổ ra đường ăn mừng chiến thắng.

Ngay sau khi cuộc tấn công trên kết thúc, Quân đội chính phủ Syria (SAA) lại tiếp tục chiến dịch trên bộ với sự trợ giúp của Nga vào các vị trí của phiến quân còn sót lại.

Dự báo thời khắc SAA đánh bại hoàn toàn các lực lượng đối lập tại Douma và Ghouta đã tới rất gần, mục tiêu tiếp theo của họ có thể là "các lực lượng dân chủ - SDF" do Mỹ hậu thuẫn.

Trong tình thế hiện tại, chính quyền Syria có vẻ như đã không còn nể sợ gì người Mỹ nữa, bằng chứng là có tướng lĩnh của họ cho biết đã lên kế hoạch nã tên lửa vào căn cứ Mỹ để trả đũa.

Nếu cuộc tấn công trên diễn ra trong tương lai, với sự trợ giúp của Nga thì các nhóm vũ trang SDF rất khó có thể chống cự lại được.

Vậy điều này có dẫn tới khả năng Mỹ sẽ đưa lính bộ binh vào tham chiến trực tiếp, nhất là khi chiến lược bao vây và đòn không kích chẳng thể ép ông al-Assad phải ra đi.

Kịch bản trên theo đánh giá là có khả năng nhưng rất thấp, vì hiện tại Mỹ không có quyền lợi cốt lõi tại Syria, họ cũng rất mệt mỏi với các chiến dịch quân sự tại Iraq và Afghanistan.

Đưa quân vào Syria thì chắc chắn Mỹ sẽ phải đối đầu trực tiếp với lực lượng vũ trang Nga và cả Iran, dẫn tới nguy cơ bùng phát chiến tranh thế giới thứ ba.

Tổng thống Mỹ Donald Trump là người có tư tưởng tương đối "thân thiện" với ông Putin, chắc hẳn người đứng đầu Nhà trắng sẽ muốn tránh viễn cảnh trên ở mức tối đa.

Quan trọng hơn, học thuyết quân sự của Mỹ rất chú trọng đến hạn chế thương vong cho binh lính, chưa bị dồn đến đường cùng thì Hoa kỳ sẽ chưa dùng tới lính bộ binh.

Điều này đã phần nào thể hiện qua chiến dịch không kích vừa rồi, các tên lửa BGM-109 Tomahawk cùng AGM-158 JASSM đều được phóng từ rất xa, không yêu cầu phương tiện mang phải đối diện với đòn phản công trực tiếp.

Việc sử dụng lính bộ binh còn dẫn tới một nguy cơ cực lớn nữa đó là gây sa lầy và không thể rút chân ra được, đặc biệt khi bài học tại Afghanistan và Iraq vẫn còn hiện hữu.

Thậm chí mới đây nhất Tổng thống Donald Trump còn công bố kế hoạch rút quân Mỹ hoàn toàn khỏi Syria.

Bởi vậy mà viễn cảnh lính bộ binh hay thủy quân lục chiến Mỹ trực tiếp tham chiến tại Syria chỉ có trong sự tưởng tượng của những nhà báo hay nhà phân tích ưa thích diễn biến "giật gân" mà thôi.