"Kỷ nguyên Tomahawk" đã chấm dứt để nhường chỗ cho JASSM?

ANTD.VN - Một phương thức tấn công mới đã được Mỹ sử dụng trong cuộc oanh kích các mục tiêu trong lãnh thổ Syria hôm 14/4, dẫn tới câu hỏi có phải thời đại của "Sứ giả chiến tranh Tomahawk" đã chấm kết thúc?
Trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria hôm 14/4 vừa qua, tên lửa hành trình Tomahawk vẫn được Hải quân Mỹ sử dụng với số lượng rất lớn.
Vũ khí nổi tiếng với biệt danh "sứ giả chiến tranh" này tuy vẫn giữ vai trò chủ công trong trận chiến trên nhưng nó đã bộc lộ không ít nhược điểm.
Đầu tiên là mức độ cồng kềnh của phương tiện phóng, khi phải yêu cầu huy động những chiến hạm có lượng giãn nước cả vạn tấn cồng kềnh và cơ động kém.
Việc Hải quân Mỹ điều động một nhóm chiến hạm như vậy tốn phí bỏ ra rất cao, trong khi dễ bị lộ hướng tấn công chính để đối phương kịp thời đề ra biện pháp ngăn chặn.
Thực tế đã cho thấy để phóng được vài chục tên lửa Tomahawk, Hải quân Mỹ đã phải huy động cả 3 mũi tấn công để nghi binh nhằm phân tán mỏng lực lượng của phòng không Syria.
Đối lập với sự cồng kềnh của Tomahawk chính là tên lửa hành trình không đối đất tấn công từ ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM.
Không quân Mỹ chỉ cần huy động duy nhất 1 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer đã triển khai được tới 19 quả tên lửa loại này, chi phí bỏ ra thấp hơn rất nhiều so với các khu trục hạm Arleigh Burke hay tuần dương hạm Ticonderoga.
Không chỉ có vậy, việc triển khai từ máy bay tiêm kích còn giúp bên tấn công tạo ra sự bất ngờ cho bên phòng thủ khi những chiến đấu cơ là phương tiện không dễ theo dõi và đánh chặn như tàu chiến.
Một chiếc tiêm kích mang tên lửa AGM-158 JASSM tạo ra mức độ răn đe lớn hơn nhiều khi có thể tung đòn tấn công tầm xa bất cứ lúc nào.
Quả đạn tấn công khi đó còn có thể thực hiện đường bay phức tạp, lợi dụng địa hình để luồn lách nhằm tránh radar ngay từ đầu, thay vì bị lộ diện hoàn toàn khi từ hướng biển tiếp cận vào đất liền vốn không có gì che đỡ.
Thậm chí đòn tấn công này còn nguy hiểm hơn nhiều lần nếu phương tiện mang phóng là máy bay ném bom hoặc tiêm kích tàng hình, lúc này AGM-158 thực sự là tử thần giấu mặt, không cho kẻ địch bất cứ cơ hội nào.
Chưa dừng lại đó, bản thân tên lửa AGM-158 JASSM cũng mang sẵn trong mình thiết kế mới có tính tàng hình cao, hơn hẳn kiểu cổ điển thông dụng của Tomahawk.
Chính vì vậy mà đã có nhận định cho rằng trong cuộc tấn công vừa qua, một phương thức tác chiến mới của Quân đội Mỹ đã được hình thành, đó là sử dụng tên lửa hành trình không đối đất để hủy diệt đối phương.
Mặc dù sẽ cần thêm một vài cuộc "thử lửa" nữa để kiểm nghiệm thật chính xác nhưng đây chính là dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên của Tomahawk đã chuẩn bị kết thúc.
"Sứ giả chiến tranh" trong tương lai của Quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh theo đánh giá sẽ là tên lửa tấn công ngoài tầm phòng không điểm mà đại diện tiêu biểu là AGM-158 hay Scalp/Storm Shadows hay Taurus.