Sau 1 tháng rưỡi cam kết, 16 ngân hàng đã giảm lãi suất cho khách hàng như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ 15/7 đến 31/8/2021, 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện giảm lãi suất với tổng số tiền là 8.865 tỷ đồng, đạt hơn 43% so với cam kết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa thông tin về kết quả giảm lãi suất cho vay theo cam kết của 16 ngân hàng thương mại.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Riêng 04 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả, tính từ 15/7 đến 31/8/2021, 16 ngân hàng thương mại gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu Điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng. Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Các ngân hàng đã giảm lãi cho khách hàng tổng số tiền 8.865 tỷ đồng sau hơn 1 tháng cam kết

Các ngân hàng đã giảm lãi cho khách hàng tổng số tiền 8.865 tỷ đồng sau hơn 1 tháng cam kết

Trong đó, big4 ngân hàng có vốn nhà nước có mức giảm lớn nhất. Cụ thể: Agribank đã giảm lãi 4.726 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,06 triệu tỷ đồng cho trên 3 triệu khách hàng; BIDV đã giảm lãi 1.032 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 910.556 tỷ đồng cho gần 304.765 khách hàng;

Vietinbank đã giảm 857 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 701.322 tỷ đồng cho 302.977 khách hàng; Vietcombank đã giảm 943 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 725.167 tỷ đồng cho 238.865 khách hàng.

Tiếp theo là MB với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 550 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 93.613 tỷ đồng cho 103.978 khách hàng; Techcombank giảm lãi 155 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 49.371 tỷ đồng cho 842 khách hàng;

VPBank đã giảm cho khách hàng là 137 tỷ đồng tiền lãi, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 125.677 tỷ đồng 218.312 khách hàng; SHB giảm 126 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 77.885 tỷ đồng của 20.916 khách hàng.

TPBank đã giảm cho khách hàng 83 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 9.095 tỷ đồng cho 6.186 khách hàng; ACB cũng giảm tổng số tiền lãi 83 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 89.335 tỷ đồng cho 65.423 khách hàng.

Tiếp theo làHDBank với 51 tỷ đồng tiền lãi đã được giảm; Sacombank với 37 tỷ đồng; LienVietPostBank 30 tỷ đồn; MSB giảm 48 tỷ đồng; VIB 05 tỷ đồng, SeABank 03 tỷ đồng.

Trước đó, sau khi 16 ngân hàng nêu trên ký cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cần đảm bảo thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể.

Định kỳ hằng tháng, các ngân hàng phải báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống ngân hàng thương mại và từng chi nhánh ngân hàng thương mại tại các tỉnh, thành phố.