Ngân sách cấp bù 3.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 3-4%, làm sao để doanh nghiệp dễ tiếp cận?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với định hướng ngân sách sẽ cấp bù lãi suất để các ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, dự kiến mức lãi suất sẽ giảm tới khoảng 4%. Tuy nhiên, làm thế nào để doanh nghiệp thực sự khó khăn có thể tiếp cận vốn vay vẫn câu hỏi khó.

Ngân hàng khó cho vay dưới chuẩn

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, gói cấp bù lãi suất của ngân sách Nhà nước sẽ khoảng 3.000 tỷ đồng, tức là tương đương khoảng 100.000 tỷ dư nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN).

Điều này có nghĩa, mức lãi suất hỗ trợ sẽ giảm thêm khoảng 3% nữa. Cộng với mức giảm lãi suất mà các ngân hàng đang hỗ trợ thì tổng mức giảm lãi suất cho người dân, DN sẽ vào khoảng 4%.

Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp như thế nào sẽ là một vấn đề hết sức hóc búa.

Bởi vì trước tiên, với quy mô cấp bù 3.000 tỷ đồng thì quy mô gói tín dụng rơi vào khoảng 100.000 tỷ tín dụng - quá nhỏ để tạo ra sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt. Trong khi Bộ Tài chính nếu trông cậy vào tiền của ngân sách để thực hiện thì cũng sẽ không dám đưa ra một gói lớn hơn, vì nó có thể tạo ra những rắc rối lớn cho ngân sách.

Do đó, điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để DN tiếp cận được. Nếu theo Luật Các tổ chức tín dụng thì các DN tiếp cận được rất ít, do phải đảm bảo các tiêu chí là: không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo.

Do đó, theo vị chuyên gia, cần tạo ra khuôn khổ pháp lý để giúp các DN thực sự khó khăn tiếp cận gói cứu trợ này, để không ảnh hưởng tới các TCTD.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng hiện nay các DN đều rất khó khăn, nhiều DN không đảm bảo các điều kiện vay vốn ngân hàng. Trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng là không đổi, ngân hàng không thể tự ý giảm chuẩn được, muốn giảm chuẩn phải có một quy chế cho phép họ làm điều đó.

Theo quy định hiện hành, các ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn
Theo quy định hiện hành, các ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn

Cần có cơ chế đặc thù

Do đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng không nên phân biệt đối tượng nào là đối tượng được hưởng. “Đợt dịch thứ tư vừa rồi ta nhìn thấy rõ, gần như mọi DN đều bị ảnh hưởng. Do đó, tôi nghĩ nên hỗ trợ một cách bình đẳng. Nếu chúng ta chọn cách hỗ trợ theo ngành thì tôi sợ là không bình đẳng, không đáp ứng được việc Chính phủ muốn tạo điều kiện phục hồi cho các DN” – ông nói.

Theo ông Hùng, hiện nay, với các ngân hàng, ngay việc xác nhận đối tượng cơ cấu nợ đã là một vấn đề phức tạp, chưa nói đến việc gói tín dụng lần này lại dùng vốn ngân sách.

“Chúng ta đưa ra vấn đề dành nguồn tiền như vậy để hỗ trợ trong bối cảnh ngân hàng Nhà nước không thể tự đặt ra một thông tư dưới chuẩn theo quy định. Vậy thì nếu hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phải nghiên cứu, nếu cần thì kiến nghị Chính phủ - Quốc hội cho phép ngân hàng trong một bối cảnh nhất định cấp vốn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khi đã có cơ chế thì việc quản lý kiểm soát rủi ro ra sao, đây cũng là một vấn đề cần cân nhắc và tính toán” – lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng nói.

Ông Hùng cũng gợi ý, gói hỗ trợ lần này có thể vận dụng theo Nghị định 55, tức doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh thì được vay nợ. “Covid-19 là dịch bệnh, vậy tại sao các DN không có cơ chế để vay nợ?” – ông Hùng đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, các tiêu chuẩn của gói tín dụng này sẽ cần xin cơ chế đặc biệt mới có thể giải ngân. Đại diện NHNN cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng đến hết 31/8 là 7,18% trên tổng điều hành tín dụng năm nay dự kiến là 12%. Điều này cho thấy vẫn còn dư địa tín dụng để cung ứng cho nền kinh tế.

“Nếu hết tháng 9 này mà Chính phủ tháo gỡ giãn cách thì cầu tín dụng sẽ trở lại. Các tổ chức tín dụng sẽ ngay lập tức đáp ứng các nhu cầu tín dụng, cam kết với các DN là như vậy. Hiện chúng tôi còn 5% để điều tiết tín dụng trong vòng 3 tháng còn lại. Như vậy cần khẳng định rằng ngân hàng không hề siết chặt, mà còn mong muốn DN được thuận lợi để ngân hàng còn có dư địa tín dụng. Mục tiêu năm nay là 12% nhưng linh hoạt, nếu cần thiết vẫn có thể mở để tạo điều kiện tối đa cho DN” – ông nói.