- Ngân hàng Nhà nước phân bổ lại chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng
- VIS Rating: Các ngân hàng nhỏ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nợ xấu và thanh khoản
- Tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng vượt 21 triệu tỷ đồng
Thông tin trên vừa được đưa ra tại Báo cáo "Thu nhập của Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT và Thành viên độc lập HĐQT tại các Công ty Đại chúng ở Việt Nam năm 2023" được thực hiện bởi FiinGroup, FiinRatings và VNIDA.
Báo cáo phân tích dữ liệu về thu nhập của các vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo tại 200 công ty đại chúng trong hai năm tài chính 2022 và 2023. Nguồn dữ liệu được tổng hợp từ các công bố thông tin công khai, bao gồm Báo cáo tài chính (hợp nhất/riêng lẻ), Báo cáo thường niên, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên…
Theo báo cáo, tại 200 công ty đại chúng có quy mô vốn hóa từ 500 tỷ đồng trở lên (tại thời điểm cuối năm 2023) cho thấy thu nhập của Chủ tịch HĐQT ở Ngân hàng, Dịch vụ Tài chính (chủ yếu Chứng khoán) và một số doanh nghiệp (bao gồm PNJ, Vinhomes, Nam Long Group, Nhựa Tiền Phong, Cơ Điện Lạnh…) cao hơn so với phần đông còn lại.
Theo nhóm nghiên cứu, diễn biến trên có thể do ngoài việc các doanh nghiệp được thống kê đều là những doanh nghiệp lớn, đầu ngành thì vị trí Chủ tịch HĐQT cũng tham gia vào một số công tác điều hành và chia sẻ một số phạm vi công việc của vị trí điều hành như Tổng giám đốc (CEO).
Ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính dẫn đầu trong thống kê thu nhập bình quân của vị trí Chủ tịch HĐQT theo ngành năm 2022 – 2023. Trong đó, thu nhập bình quân trong năm 2023 của ngành ngân hàng là 4,1 tỷ đồng, ngành dịch vụ tài chính là 2,9 tỷ đồng.
Tiếp đến là dầu khí với mức thu nhập vị trí Chủ tịch là 2,2 tỷ đồng; ngành tài nguyên cơ bản và bất động sản cũng có mức thu nhập tương tự.
Tuy nhiên, cần lưu ý thu nhập của vị trí Chủ tịch HĐQT không bao gồm giá trị của cổ phiếu thưởng hoặc cổ phiếu theo chương trình quyền chọn dành cho cấp điều hành (ESOP).
Thu nhập Chủ tịch HĐQT cao nhất năm 2023 |
Trong Top 15 doanh nghiệp có thu nhập của Chủ tịch HĐQT cao nhất năm 2023, Chủ tịch HĐQT của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) dẫn đầu với mức thu nhập 8,8 tỷ đồng trong năm 2023. Chủ tịch Sacombank (STB) Dương Công Minh đứng ở vị trí tiếp theo và là lãnh đạo ngân hàng có thu nhập cao nhất với 8,6 tỷ đồng trong năm 2023.
Hiện Sacombank là ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, do đó suốt gần 10 năm qua, cổ đông nhà băng này vẫn chưa được chia cổ tức.
Ngoài Sacombank, trong lĩnh vực ngân hàng, top các ngân hàng có thu nhập cao nhất cũng chỉ xuất hiện những cái tên ở khối tư nhân.
Trong đó, ở vị trí á quân khối ngân hàng là Chủ tịch TPBank (ông Đỗ Minh Phú) với mức thu 6,2 tỷ đồng trong năm ngoái. Tiếp đến là Chủ tịch SeABank (ông Lê Văn Tần) với thu nhập 6 tỷ đồng; Chủ tịch HDBank (ông Kim Byoungho) 5,2 tỷ đồng…
Đáng chú ý, dữ liệu khảo sát về thu nhập lãnh đạo cũng chỉ ra nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước (nhà nước sở hữu từ 25% đến dưới 51% tổng vốn chủ sở hữu) có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhất nhưng thu nhập bình quân của Chủ tịch Hội đồng quản trị (cũng như của CEO) cùng thấp hơn 16%-20% so với mức bình quân toàn thị trường.
Chuyên gia từ Fiingroup khuyến nghị cần thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các vị trí điều hành như Tổng giám đốc tại nhóm doanh nghiệp nhà nước sở hữu và doanh nghiệp tư nhân, trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh không có sự chênh lệch đáng kể.
Đây là giải pháp được đánh giá rất quan trọng nhằm cải tổ khối doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, việc tách bạch vai trò của hai vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc như quy định hiện nay, các doanh nghiệp có thể xem xét việc thiết kế và xây dựng chính sách và cấu trúc thu nhập cho các vị trí chủ chốt này dựa trên nhiệm vụ, phạm vi công việc và các chỉ tiêu đo lường hiệu quả.
Những chỉ tiêu này có thể bao gồm tỷ suất lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn, tăng trưởng thu nhập cốt lõi/có tính bền vững, cùng với các chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch như hiện nay.