Sân bay hạ cánh khó đến mức thế giới chỉ có 50 phi công bay được

ANTD.VN -  Sân bay quốc tế Paro của Bhutan được coi là một trong những nơi hạ cánh máy bay khó nhất về mặt kỹ thuật. Trên thế giới chỉ có 50 phi công đủ trình độ để có thể thực hiện được.
Việc điều khiển máy bay trên đường băng ngắn giữa hai đỉnh núi cao 5.486m đòi hỏi cả kiến ​​thức kỹ thuật và thần kinh thép

Đường băng của Paro chỉ dài 2.226m và được bao quanh bởi hai ngọn núi cao. Do đó, phi công chỉ có thể nhìn thấy đường băng từ trên không khi họ sắp hạ cánh xuống đó.

Việc điều khiển máy bay trên đường băng ngắn giữa hai đỉnh núi cao 5.486m đòi hỏi cả kiến ​​thức kỹ thuật và thần kinh thép. Sự độc đáo của địa hình khiến sân bay không tiếp nhận máy bay phản lực lớn.

Sân bay và điều kiện đầy thách thức của nó làm tăng thêm sự hấp dẫn quanh chuyến du lịch đến Bhutan, một vương quốc ở chân núi Himalaya với khoảng 800.000 dân và được mệnh danh “đất nước Rồng Sấm”.

Cảnh quay nhanh về quá trình cất cánh từ Sân bay quốc tế Paro

“Đây là một thách thức đối với kỹ năng của phi công, nhưng không nguy hiểm, vì nếu nguy hiểm, tôi đã không bay”, Cơ trưởng Chimi Dorji, người đã làm việc tại hãng hàng không quốc gia Bhutan Druk Air (hay còn gọi là Royal Bhutan Airlines) trong 25 năm cho biết.

Bhutan, nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, có hơn 97% là núi. Thủ đô Thimpu của Bhutan cao 2.350m so với mực nước biển nhưng Paro thấp hơn một chút.

Phi công phải tự hạ cánh thủ công, không có radar

Paro là sân bay loại C, có nghĩa là phi công phải được đào tạo đặc biệt để bay đến đó. Họ phải tự hạ cánh thủ công, không có radar. Như ông Dorji nói, điều quan trọng là phi công phải biết địa hình xung quanh sân bay, chỉ cần lệch chút ít, máy bay có thể hạ cánh trên nóc nhà của ai đó.

Hiện các chuyến bay quốc tế đến Paro có từ New Delhi, Bangkok, Kathmandu, và đặc biệt từ Hà Nội bắt đầu từ tháng 10-2024. Các chuyến bay hầu hết vào buổi sáng để đảm bảo điều kiện tối ưu về gió và luồng nhiệt.