Phần 1:

Rừng được giao đến đâu... phá đến đó

ANTĐ -Do chủ rừng thiếu trách nhiệm, chính sách còn bất cập nên đã có hàng  nghìn ha rừng bị tàn phá.

Ea Mdroh vốn là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến của huyện Cư M’gar (Đắc Lắc). Nay là một trong những xã nghèo, thuộc diện vùng sâu, vùng xa. Do đất đai không được màu mỡ, tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 76% dân số) còn lạc hậu, nên thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác thấp, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo ở Ea Mdroh cao

Nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, và hạn chế nạn phá rừng làm nương rẫy, đầu năm 2008, UBND huyện Cư M’gar triển khai việc giao đất, giao rừng cho hộ và nhóm hộ, trong đó ưu tiên hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, và những hộ sống liền kề rừng. Cụ thể, toàn xã có 84 hộ được giao quản lý, chăm sóc và bảo vệ 692 ha rừng và đất lâm nghiệp, bình quân mỗi hộ nhận quản lý bảo vệ 8,2 ha rừng và đất lâm nghiệp.

Thế nhưng, theo kiểm kê rừng và đất rừng của địa chính xã Ea Mdroh đầu năm 2011 đã có hơn 150 ha rừng giao khoán bị chặt phá chuyển sang trồng bắp, đậu, mía và điều. Trong đó điểm nóng phá rừng nhận khoán là thôn 20. Cả thôn 20 có 42 hộ nhận khoán thì cả 42 hộ đều có hành vi chặt phá rừng làm nương rẫy.

Tại các buôn Chua, Ea Mdroh, thôn 1 và thôn 2, tình trạng xảy ra tương tự, nhưng mức độ rừng bị tàn phá không nghiêm trọng như thôn 20. Đồng chí Lê Văn Hậu, quyền Chủ tịch UBND xã Ea Mdroh khẳng định: “Tình trạng bà con được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nhưng tự ý phá rừng chuyển đổi mục đích sang sản xuất nông nghiệp xảy ra từ năm 2008 đến nay. Năm nào kiểm lâm địa bàn, chính quyền xã cũng phản ánh lên huyện, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra biện pháp xử lý cụ thể nào!”.
 
 

 Rừng khoán ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo bị chặt phá lấy đất sản xuất

Huyện biên giới Ea Súp (Đắc Lắc), lâu nay đã là điểm nóng về phá rừng. Ở đây, không chỉ những cánh rừng già, rừng phòng hộ bị lâm tặc tấn công khai thác gỗ quý hiếm, mà nhiều cánh rừng cộng đồng buôn, làng nhận khoán theo Quyết định số: 304/2005/QĐ-TTg cũng đã bị tàn phá không thương tiếc, để lấy đất sản xuất. Làm việc với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban Bảo vệ phát triển rừng xã Cư M’lan cho biết: Toàn xã có 5 nhóm hộ nhận khoán quản lý bảo vệ 1.139 ha rừng tại các tiểu khu 281, 287 và 288.

Bình quân mỗi nhóm hộ quản lý hơn 200 ha và mỗi hộ quản lý khoảng 20 ha. Rừng bà con trong xã Cư M’lan nhận quản lý bảo vệ hầu hết là rừng nghèo kiệt. Trong khi đó các hộ dân lại là những hộ nghèo, vì thế chính sách cho bà con hưởng lợi từ khai thác gỗ rừng là không phù hợp, vì phải đợi 30-40 năm sau cây gỗ trưởng thành mới khai thác được.

Trong khi đó, các hộ nghèo lại cần nguồn thu trước mắt. Vậy là không thu lợi từ rừng, chủ rừng không thiết tha với rừng, buông lỏng quản lý dẫn tới rừng bị các đối tượng khác khai phá làm rẫy.

Điển hình như nhóm hộ Tạ Thị Dung (có tổng cộng 11 hộ thôn 6) nhận quản lý, bảo vệ 223,98 ha tại tiểu khu 287 và 288, nhưng đến nay rừng của nhóm này đã bị phá 15 ha trồng ngô, sắn. Không giữ nổi rừng, đầu tháng 7-2011, nhóm hộ Tạ Thị Dung viết đơn gửi UBND xã trình bày nguyện vọng xin trả lại rừng nhận khoán. Chính quyền xã Cư M’lan không biết giải quyết tình huống này thế nào, chỉ biết giải thích để bà con rút đơn, chờ tỉnh và Trung ương điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Cư M’lan, lâm tặc phá rừng nhận khoán hoạt động khá tinh vi như: “Cắt cử người canh từ cổng UBND xã cho đến cửa rừng, khi phát hiện lực lượng chức năng có động thái kiểm tra, truy quét là điện báo cho đồng bọn giải tán, nên rất khó bắt quả tang và và vì thế việc xử lý đối tượng theo quy định pháp luật cũng không dễ!”.

Tại xã biên giới Ea Bung, tình trạng tàn phá rừng nhận khoán theo Quyết định số: 304/2005/QĐ-TTg còn nóng hơn xã Cư M’lan nhiều lần. Chủ tịch UBND xã Ea Bung-ông Bùi Đức Hạnh xót xa: “Toàn xã có 13 nhóm hộ, nhận bảo vệ 1.661,4 ha. Tính đến đầu tháng 10-2011 này, qua kiểm tra cho thấy diện tích rừng 13 nhóm hộ quản lý đã để bị phá tới 1.053,88 ha. Tức là gần 2/3 rừng giao khoán đã bị phá làm nương rẫy”.

Theo lý giải của ông Bùi Đức Hạnh, sở dĩ rừng nhận khoán theo Quyết định số: 304/2005/QĐ-TTg, bị phá trắng như thế, trước hết là do chủ rừng thiếu trách nhiệm, hơn nữa địa điểm rừng giao khoán cách xa khu dân cư tới hơn 40 km, đường sá đi lại không thuận lợi, chi phí xăng xe lại tốn kém, nên hầu như chủ rừng buông lỏng quản lý.

Hoặc cũng có khi chủ rừng bắt quả tang đối tượng phá rừng, nhưng lại không biết xử lý thế nào, vì lâm tặc đông hơn người bảo vệ rừng, nên họ chỉ biết báo chính quyền địa phương. Và khi chính quyền vào đến nơi thì rừng cũng chẳng còn. Được biết, hầu hết rừng nhận khoán ở Ea Bung bị phá và được chuyển đổi sang trồng lúa, bắp và sắn. Cũng tại xã Ea Bung, qua điều tra mới đây, không chỉ rừng giao cho cộng đồng bị tàn phá, mà 105 hà rừng giao cho doanh nghiệp Trí Đức và UBND xã quản lý cũng bị phá tới hơn 40 ha, tức là hơn 40%.
 

 Rừng giao khoán ở xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar bị phá trắng

Tiếp tục mở rộng điều tra tại địa bàn xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, chúng tôi nhận thấy: Phần đa các cộng cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng vẫn để mất rừng. Phó chủ tịch UBND-ông Ksơr Grư cho biết: “Ea Sol có 4 cộng đồng buôn nhận quản lý, bảo vệ hơn 3.782 ha rừng. Cụ thể buôn Cham có 120 hộ nhận bảo vệ 1.084 ha; buôn Ta Ly có 144 hộ nhận 1.127 ha.... Có thể nói, giai đoạn đầu với các hộ nghèo nhận bảo vệ rừng được hỗ trợ các khoản: 5 triệu đồng/hộ để làm nhà ở; 5 triệu đồng/ha để khai hoang đất sản xuất nông nghiệp; 400 nghìn đồng/hộ để xây dựng bể chứa nước sinh hoạt và 10kg gạo/khẩu/tháng để cứu đói trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

Với ưu đãi này, bà con khá hào hứng nhận và bảo vệ rừng. Nhưng các năm sau đó, do một số buôn được giao rừng nghèo, thấy không được hưởng lợi từ rừng nên đã không còn thiết tha với việc bảo vệ rừng. Thậm chí chính số hộ nhận khoán lại quay ra phá rừng, lấy đất canh tác để có cái ăn trước mắt”.

Thống kê mới đây của UBND xã Ea Sol, trong số 4 buôn nhận bảo vệ rừng, chỉ có buôn Ta Ly, do được giao diện tích rừng nguyên sinh, nên đã khai thác được 380 m3 gỗ, bán được 616 triệu đồng. Còn lại các buôn khác chưa có nguồn thu từ rừng. Vì vậy, tình trạng phá rừng nhận khoán cũng diễn ra phổ biến ở Ea Sol. Báo cáo của UBND xã Ea Sol cho biết, tính đến đầu tháng 10-2011 đã có 155 ha rừng nhận khoán bị phá làm rẫy. Tuy nhiên qua tìm hiểu trên thực, đi sâu vào những cánh rừng các buôn ở Ea Sol nhận khoán, chúng tôi khẳng định: Diện tích rừng ở Ea Sol bị phá lớn hơn nhiều so với con số thống kê của chính quyền. Thậm chí, có những cánh rừng mới bị chặt phá, gốc cây còn đứng tua tủa, trong khi rẫy lúa, bắp đã mọc xanh.

Tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắc, đến nay toàn tỉnh đã giao 8.577 ha rừng cho 1.209 hộ theo Quyết định số: 304/2005/QĐ-TTg. Và để thực hiện công tác giao rừng này, Đắc Lắc đã được Trung ương hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng, hiện giải ngân hơn 814 triệu đồng, còn tồn hơn 12 tỷ đồng, do kết quả giao rừng đạt quá thấp so kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, tỉnh Đắc Lắc cũng đã hỗ trợ số hộ thuộc các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng hơn 45 tấn gạo và 81 nghìn cây giống.

Như vậy, có thể khẳng định, Nhà nước không thiếu kinh phí chi trả cho công tác bảo vệ rừng, nhưng việc thực hiện thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ các tỉnh Tây Nguyên đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Rừng giao đến đâu bị phá tới đó. Vì vậy, trong thời gian tới cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chủ rừng.

Còn nữa...