- Trung Quốc "sốt" với loạt phim tài liệu về 10 cựu quan tham tự thú
- "Quan tham" Trung Quốc nhận hối lộ, biển thủ 84 triệu USD
- Malaysia thu giữ lượng tiền mặt kỷ lục tại nhà quan tham
Đới Hải Ba khi còn đương chức
Lão hổ của FTZ “ngã ngựa”
Đới Hải Ba, sinh năm 1962, quê Giang Tô, đã tốt nghiệp trường Đại học Giao thông Thượng Hải, đi lên từ cán bộ đoàn. Sau nhiều năm công tác, Đới Hải Ba được đưa lên làm Phó Tổng thư ký Ủy ban thành phố Thượng Hải.
Tờ Tân Kinh cho biết, vụ việc bị phát hiện từ năm 2014. Khi đó, Đới Hải Ba đã bị bãi miễn chức vụ Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quản lý Khu mậu dịch tự do Thượng Hải (FTZ), một trong những vị trí quyền lực nhất tại nơi thử nghiệm các mô hình cải cách kinh tế của Trung Quốc.
Thời điểm đó, Đới Hải Ba được đánh giá là một người có năng lực về kinh tế, có công thu hút vốn nước ngoài để phát triển khu kinh tế. Ông ta từng điều hành Khu Công nghệ cao Trường Giang ở Thượng Hải những năm 1998-2003 và được cho là có mối quan hệ mật thiết với Bí thư Thành ủy Thượng Hải đương nhiệm Hàn Chính.
Ngoài ra, theo Đa Chiều, Đới Hải Ba có quan hệ thân thiết với hai người con của ông Giang Trạch Dân là ông Giang Miên Hằng và Giang Miên Khang. Luật sư Trịnh Ân Long ở Thượng Hải tiết lộ, tại Khu Công nghệ cao Trường Giang ở Thượng Hải, Đới Hải Ba làm đại diện pháp nhân của 5 công ty, trong đó có 3 công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.
Lĩnh vực Đới Hải Ba quản lý vừa trùng khớp với lĩnh vực hoạt động của Giang Miên Hằng. Chính vì thế, việc Đới Hải Ba được làm Chủ nhiệm Ban Thông tin và Công nghiệp Thượng Hải cho thấy quan hệ giữa người này và Giang Miên Hằng gần gũi thế nào.
Tại thời điểm bị điều tra (ngày 17-3-2015), Đới Hải Ba giữ chức Phó Tổng thư ký Ủy ban thành phố Thượng Hải, 2 tuần sau đó đã bị bãi miễn chức vụ này. Ngày 19-8-2015, Đới Hải Ba bị Viện Kiểm sát Thượng Hải quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế và lập hồ sơ vụ án về tội nhận hối lộ.
Theo báo chí địa phương, Đới Hải Ba bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để mang lại lợi ích cho người khác, rồi nhận hối lộ, mở tài khoản tại ngân hàng nước ngoài; mua cổ phiếu, tài khoản quỹ mà không báo cáo với cơ quan chủ quản.
Có nguồn tin tiết lộ, Đới Hải Ba có mối quan hệ thân thiết với nhiều nhân vật nổi tiếng trên chính trường Thượng Hải. Việc Đới Hải Ba bị đưa ra xét xử có thể sẽ khiến thêm một số “hổ lớn” lộ mặt.
123 tỉ USD bị đánh cắp chuyển ra khỏi Trung Quốc
Năm 2011, một bản báo cáo mật dài 67 trang của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bị rò rỉ gây chấn động báo giới nước này. Tài liệu này chỉ ra các địa điểm “hạ cánh” ưa thích của các quan tham Trung Quốc và cách thức mà họ chuyển tiền ra nước ngoài.
Theo bản báo cáo này, có gần 18.000 quan chức tham nhũng của Chính phủ và các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc đã bỏ trốn ra nước ngoài và “mất tích” kể từ giữa những năm 1990. Bản báo cáo này ước tính, đã có gần 123 tỉ USD, tương đương gần 2% GDP Trung Quốc trong năm 2010, đã bị các quan tham chuyển ra nước ngoài.
Tờ Wall Street Journal cho biết, các quan chức có chức vụ càng cao thì càng ưa thích địa điểm “hạ cánh” là các nước phương Tây. Những quốc gia như Mỹ, Úc, Canada và Hà Lan là những lựa chọn hàng đầu của những quan tham Trung Quốc.
Số liệu của Văn phòng Điều tra Liên bang thuộc Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada cho biết, trong số 100 quan tham bị Trung Quốc truy nã gắt gao nhất thì có tới 26 người đang lẩn trốn tại Cananda. Nhiều quan chức tham nhũng, doanh nhân Trung Quốc biển thủ số tiền lớn sau đó chạy sang Mỹ, nhập tịch vào đây bằng cách đầu tư vào bất động sản.
Các quan tham Trung Quốc có vô vàn chiêu thức để chuyển tài sản bất chính của mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo bản báo cáo bị rò rỉ này, điểm chung của các chiêu thức này là thường thông qua một người thân nào đó đang sống bên ngoài Trung Quốc.
Số tiền tham nhũng có thể “đội lốt” tiền du học chuyển khoản cho con cái của các quan chức đang ở nước ngoài, hoặc có thể được chuyển vào tài khoản của những ả tình nhân đang sống tại Hong Kong hay “nướng” vào các sới bạc ở Macau.
Mặc dù Trung Quốc đã ra sức đẩy mạnh các thỏa thuận hợp tác về vấn đề dẫn độ tội phạm kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên chiến dịch truy lùng quan tham ẩn náu ở nước ngoài vẫn gặp không ít khó khăn.
Theo Reuters, Trung Quốc đã ký kết hiệp ước dẫn độ tội phạm với khoảng 40 quốc gia, tuy nhiên lại chưa có hiệp ước tương tự với Mỹ, Canada hay Australia - 3 quốc gia được coi là “thiên đường” của các tội phạm kinh tế do thủ tục dẫn độ khó khăn. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây từ chối ký kết hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc vì nhiều lý do trong đó có lý do rằng Trung Quốc không sẵn sàng cung cấp bằng chứng tội phạm của đối tượng cần dẫn độ.