Trong vai hai vợ chồng bị bệnh, trưa ngày 25.10.2011, chúng tôi tìm đến nhà “thầy” bảy Cường để nhờ trị bệnh. Lúc đó là 12 giờ 30 phút, trong nhà “thầy” có hơn 10 người xếp hàng ngồi chờ. Chúng tôi vừa vào nhà đã được một người đàn ông dáng cao, gầy, trạc 40 tuổi, mặc quần áo trắng đến hỏi han ở đâu đến, bị bệnh gì, đến đây chữa bệnh lần đầu hay lần thứ mấy… Sau khi nghe chúng tôi “kê khai lý lịch” xong, người đàn ông này hướng dẫn đến chỗ ngồi chờ rồi lại quay sang chỉ biểu cho những bệnh nhân khác.
Nhà của “thầy” bảy Cường là căn nhà tường, lợp ngói, nằm sâu trong con đường đất đỏ. Trong gian nhà trước, phía bên trái để một cái bàn dài và hàng chục cái ghế nhựa, dùng làm nơi khám bệnh. Trước đầu bàn có hai đĩa nhang và nhiều chai rượu, ly đựng rượu. Giữa nhà bày một cái bàn tròn, dùng để chất hoa quả, bánh trái, nhang đèn. Bên phải là một bộ ván gỗ để bày những hàng mã với đủ loại quần, áo, giày, nón. Mỗi bệnh nhân đến nhờ “thầy” trị bệnh đều phải đem theo hoa, quả, bánh mứt, nhang và một chai rượu đế.
Đồng vợ đồng chồng
Các “thầy” khoán bùa |
Phun rượu vào bệnh nhân |
Đến 13 giờ, “thầy” bảy Cường bắt đầu từ nhà sau bước ra. “Thầy” trạc 50 tuổi, tóc muối tiêu. Cùng đi với “thầy” còn có bà vợ tên Nương được nhiều bệnh nhân gọi bằng “Cậu” và hai ba người đàn ông khác. Toàn bộ “ê kíp” này đều mặc đồ trắng. Bà Nương ngồi vào bàn khám bệnh và lần lượt bấm huyệt cho từng bệnh nhân. Với hầu hết bệnh nhân nữ, bà Nương đều hỏi một câu: “Từ nào tới giờ có bỏ cục máu nào hay không?”. Bệnh nhân nào đã từng bị sẩy thai hoặc nạo thai đều được phán rằng: vong hồn của thai nhi đó đến giờ vẫn còn đeo theo và hành cho bị bệnh. Sau đó bà đứng dậy vỗ tay bốp bốp trên đầu bệnh nhân, rồi cất tiềng la hét, chửi bới để xua đuổi vong hồn ra khỏi bệnh nhân. Cuối cùng, bà hướng dẫn bệnh nhân mua một bịch bánh, một bó hoa, một bó nhang, hai xấp tiền vàng bạc, một bộ quần áo hàng mã (giấy tiền, vàng bạc và quần áo hàng mã do… bà thầy bán) bày ra cúng trên bộ ván. Sau khi cúng vái xong, đem giấy tiền vàng bạc và quần áo hàng mã ra sân đốt.
Đối với những bệnh nhân là trẻ em, đàn ông hoặc phụ nữ chưa có chồng, bà thầy cũng đều phán rằng có vong hồn nào đó nhập vào người. Bà trị bệnh bằng cách để bệnh nhân ngồi trên ghế đôn, phía sau có “trợ lý” đứng thủ sẵn để đỡ. Sau vài tiếng la hét, chửi bới vong hồn, bà Nương xô bệnh nhân bật ngửa ra sau, được “trợ lý” đỡ dậy, bà Nương lại xô tiếp, ba lần như thế. Đoạn, bà vẽ bùa trên hai bàn tay bệnh nhân và năm tờ giấy màu vàng, bảo đem về nhà đốt, lấy tro, khuấy vào nước mà uống. Một cô bé 14 tuổi, ở Thị xã sau khi bị bà thầy xô, đã sợ đến tái mặt, oà khóc nức nở. Cha của bệnh nhân nhí này cho biết: “Con bé bị bệnh nhức đầu, đưa đến đây trị lần này là lần thứ ba”. Khi chúng tôi hỏi kết quả điều trị ở đây thế nào, trong khi người cha trả lời “có bớt bệnh” thì cô bé lại… lắc đầu lia lịa, nước mắt lăn dài.
Tất cả các bệnh nhân, sau khi được bà Nương khám bệnh và làm thủ tục xua đuổi tà ma xong thì chuyển sang bước kế tiếp. Đó là được “thầy” bảy Cường cho ngồi trên ghế đôn rồi dùng bông vạn thọ nhúng vào ly rượu vẩy lên đầu, vai, tay, chân. Sau đó, “thầy” cầm ba cây nhang vẽ bùa trong không khí, miệng lẩm bẩm đọc thần chú. Tiếp theo, các bệnh nhân cúng bánh, trái, hàng mã. Công đoạn cuối cùng là bệnh nhân ra ngồi trước mái hiên để hai, ba “thầy” khác phun rượu lên người. Trong quá trình trị bệnh, các “thầy” này cầm nhang huơ vòng vòng bệnh nhân, thỉnh thoảng “thầy” giậm chân, miệng hô lớn những câu khó hiểu: “Chuyển! Chuyển! Chuyển lẹ ra…” rồi phun rượu phèo phèo vào những chỗ đau của bệnh nhân.
Với cách trị bệnh quái gở như thế, nhưng không hiểu sao vẫn có nhiều người bị mê hoặc, tìm đến vợ chồng “thầy” bảy Cường. Trong đó có cả những người từ thành phố HCM lên thuê nhà ở trọ gần đó để chờ trị bệnh?
Bỗng dưng thành... thầy
Vẽ bùa trên tay bệnh nhân |
Chúng tôi tìm gặp ông sáu Hổ, 87 tuổi, là cha ruột của bà Nương và một số người hàng xóm của “thầy” bảy Cường. Qua tìm hiểu thông tin, được biết, trước đây hai vợ chồng “thầy” bảy Cường đều là nông dân. Hằng ngày chỉ biết cày sâu cuốc bẫm trên ruộng của mình. Lúc rảnh rỗi, ông bảy Cường và người bạn hàng xóm tên Hoàng đi học nghề… thầy bùa. Sau đó hai người về nhà ông tư Hoàng hùn nhau mở địa điểm trị bệnh trặc tay, trặc chân cho bà con trong xóm.
Khoảng bốn năm trước, ông Hoàng qua đời, ông bảy Cường về nhà tiếp tục hành nghề trị bệnh. Vợ ông từ một người chân lấm tay bùn, đùng một cái, trở thành “Cậu” và có tài trị… tà ma. Nhà “thầy” Cường được nhiều người trong xóm ví như một “bệnh viện đa khoa”, bởi tất cả các bệnh “thầy” đều nhận trị tuốt, chỉ bằng rượu đế. Ngoài việc trực tiếp hành nghề, “thầy” Cường còn đào tạo hơn 10 “đệ tử” khác. Những ngày đông bệnh nhân, “thầy” Cường gọi học trò đến phụ mình. Thời gian trị bệnh có khi kéo dài từ 13 giờ đến 18 giờ mới xong. Trên danh nghĩa “thầy” bảy Cường trị bệnh miễn phí nhưng bệnh nhân phải mua giấy tiền vàng bạc và đồ hàng mã của gia đình thầy bán ra.
Điều chúng tôi thấy làm lạ là một điểm chữa trị bệnh phản khoa học, đầy tính chất mê tín dị đoan, hành nghề rầm rộ, công khai, kéo dài như vậy lẽ nào chính quyền địa phương và ngành chức năng không biết?