Quá nhiều đơn đặt hàng tiêm kích F-35 sẽ gây phản tác dụng

ANTD.VN - Đơn đặt hàng đối với tiêm kích F-35 hiện đã rất lớn, đủ để tập đoàn Lockheed Martin sản xuất liên tục trong 14 năm tới, nhưng điều này có thực sự tốt?

Cộng hòa Séc và Romania đã trở thành những quốc gia thành viên NATO mới nhất công bố kế hoạch mua tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo.

Theo đại diện của Lockheed Martin, đến giữa thập niên 2030, hơn 600 chiếc F-35 sẽ đồn trú trên lục địa châu Âu, trên khắp những căn cứ của các quốc gia thành viên NATO và cả ở Thụy Sĩ.

Những quốc gia thành viên NATO tham gia chương trình sản xuất F-35 hiện bao gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Mỹ và Vương quốc Anh.

Trung tâm Năng lực Không lực Chung (JAPCC) của Mỹ mô tả chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm này là xương sống trong các hoạt động tác chiến tương lai của NATO.

"F-35 sẽ cho phép các đồng minh NATO thu hẹp khoảng cách năng lực hiện tại với Mỹ”, một báo cáo của JAPCC cho biết đồng thời lưu ý rằng “chương trình F-35 hướng tới một cơ sở công nghiệp NATO có mức độ liên kết cao hơn để tối đa hóa khả năng của Liên minh”.

Sự quan tâm đến F-35 vẫn ổn định, khi có thêm nhiều quốc gia NATO và đối tác lựa chọn chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm. Nhưng nhu cầu quá lớn có thể gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng.

Hiện tại, các đơn đặt hàng đang chờ có thể không được thực hiện trong nhiều năm. Ước tính với tốc độ sản xuất hiện nay, Lockheed Martin cần tới 14 năm để hoàn thành hợp đồng đã ký.

Ngoài ra các đơn hàng tồn đọng cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu của Không quân Mỹ, bởi vì những hợp đồng cần thực hiện đang vượt quá năng lực sản xuất của Lockheed Martin.

“Lockheed Martin sẽ phải tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu quốc tế. Họ đã nhận số lượng đơn đặt hàng vượt quá năng lực sản xuất hiện nay”, Trung tướng Richard Moore - Phó tham mưu trưởng phụ trách kế hoạch và chương trình vũ khí của Không quân Mỹ cho biết.

Hiện có hơn 2.500 chiếc F-35 được đặt hàng và có thể mất tới 14 năm, với tốc độ khoảng 180 chiếc mỗi năm để đáp ứng tất cả nhu cầu. Vấn đề thực sự tồi tệ hơn tưởng tượng, bởi vì Lockheed Martin đã nhắm đến việc đạt được tốc độ đó trước đại dịch.

Con số này hiện đã nhiều hơn hai chục máy bay mỗi năm so với mục tiêu hàng năm của Lockheed Martin là 156 chiếc. Số lượng nói trên dự kiến ​​​​sẽ vẫn là mục tiêu cho đến ít nhất là lô sản xuất thứ 24.

Việc tăng cường sản xuất không dễ dàng như việc bổ sung thêm ca làm việc thứ hai, hoặc mở rộng cơ sở Fort Worth của Lockheed Martin. Một phần sức hấp dẫn của chương trình F-35 là có nhiều đối tác ở nhiều quốc gia giúp chế tạo máy bay.

Nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney và nhà sản xuất khung thân Northrop Grumman - cũng như hàng trăm nhà cung cấp nhỏ hơn chế tạo vô số bộ phận để lắp ráp F-35. Tất cả những nhà thầu phụ đó sẽ phải mở rộng năng lực sản xuất.

Theo ghi nhận, sự hợp tác với Tập đoàn Rheinmetall có trụ sở tại Đức để sản xuất thân máy bay có thể giúp tăng khối lượng sản xuất tiêm kích F-35 lên 165 chiếc mỗi năm.

Nhưng ngay cả khi sản lượng có tăng lên, chương trình F-35 cũng không thể tiếp tục mãi mãi. Sẽ không mang lại lợi ích gì cho bất kỳ công ty nào dù lớn hay nhỏ nếu họ tăng tốc để đáp ứng tất cả các đơn đặt hàng và sau đó hy vọng có thêm nhiều hợp đồng nữa.

Thời gian có thể là điều cốt yếu đối với Lockheed Martin. Nếu người mua nước ngoài phải chờ đợi, một số trong đó nhiều khả năng sẽ chọn cắt giảm đơn đặt hàng và tìm kiếm các lựa chọn thay thế.

Ứng viên thay thế F-35 bao gồm cả những máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu hiện đang được phát triển ở châu Âu và Nhật Bản, dự kiến ​​sẽ được đưa vào sử dụng từ giữa những năm 2030.

Vậy tại sao khách hàng lại nên theo đuổi chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mà họ chỉ nhận được sau hơn một thập kỷ, khi họ có thể là đối tượng đầu tiên có tiêm kích thế hệ thứ sáu tiên tiến được giao cùng thời điểm?