Quà của nhà văn Tô Hoài

(ANTĐ) - Tôi dọn nhà nhiều lần và đã cho đi rất nhiều sách cùng các vật kỷ niệm, song, trong chiếc “tủ kỷ vật” của tôi không bao giờ thiếu con gấu Misa và con thiên nga bằng sứ trắng. Tôi giữ kỷ vật ấy như một báu vật vì đó là quà tặng của bác Tô Hoài.
Tôi được nhà thơ Bằng Việt và bác Tô Hoài sang tận cơ quan ở Báo Hà Nội Mới xin về, mà cơ quan thì không muốn cho đi, nhưng tôi lại mê văn chương nên cứ nằng nặc đòi sang bên Hội. Hồi đó có lời đồn tôi được phân nửa căn hộ tập thể ở Thành Công, đã thương lượng với người khác của Báo Hà Nội Mới để mua thêm nửa căn hộ nữa nên tôi bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống. Chính vì thế tôi mới được bác Tô Hoài và anh Bằng Việt “cứu” sang bên Hội! Đúng là ngay sau khi chồng mất, cơ quan phân cho nửa căn hộ tập thể 24m2 để hai mẹ con tôi sống và hai chàng khác của báo được phân nửa căn bên cạnh. Dạo đó, việc mua bán bất cứ cái gì cũng bị coi là xấu, mua bán nhà do cơ quan phân phối là tội khá nặng, nhưng vì hai mẹ con không thể ở chung nhà với hai người đàn ông trong một căn hộ nên tôi dứt khoát thương lượng để mua lại. Vậy mà tai tiếng cũng lan sang bên Hội, dù chuyện đó chẳng ảnh hưởng gì đến việc xin chuyển công tác của tôi. Vậy là tôi bị cho “ngồi chơi xơi nước”. Cũng còn khá trẻ nên tôi lo lắm, nhưng rồi cũng kệ, không phân công việc gì thì nghỉ 3 tháng sáng tác vậy. Bác Tô Hoài an ủi: “Với người viết thì cứ ngồi vào bàn là được cô ạ. Có khi không phải lo việc cơ quan, cô lại làm được việc gì đó hay hơn. Chuyện giấy tờ để tôi lo, tôi cũng sơ suất quá, cứ nghĩ cô về làm việc ở Hội là anh em rất mừng”. Sau đó ít lâu, đã có giấy thuyên chuyển chính thức trên thành phố gửi xuống, bác Tô Hoài đi dự liên hoan thể thao văn hóa ở Matxcơva về, đến chơi tặng tôi con gấu biểu tượng của liên hoan quốc tế và cười rất tươi: “Ở bên đó, tôi cầm con gấu mà cứ lo mấy chàng đầu gấu ở nhà nó “riềng” cô lên bờ xuống ruộng. Khổ thân, chỉ tại tôi và Bằng Việt muốn cô sang Hội ngay, nên chưa lo đủ thủ tục đã kéo cô về”.  Tôi cầm chú gấu nhỏ, lòng rưng rưng…
Quà của nhà văn Tô Hoài ảnh 1
Nhà văn Tô Hoài và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn
Còn con thiên nga, dạo cơ quan Hội đi nghỉ mát ở Thái Bình, lúc về có ghé một cơ sở sản xuất gốm sứ ở Hải Dương. Ông giám đốc dẫn cả đoàn gồm có bác Tô Hoài, nhà thơ Bằng Việt, một số nhà văn, nhà thơ khác cùng chị em văn phòng và tôi đi thăm cơ sở sản xuất rồi thăm phòng trưng bày các sản phẩm của nhà máy. Lúc tiễn đoàn, ông giám đốc cầm một con thiên nga bằng sứ trắng rất đẹp trao tặng bác Tô Hoài. Chúng tôi truyền tay nhau, ai cũng khen trông thiên nga rất dịu dàng, kiêu hãnh mà duyên dáng. Mấy em văn phòng tranh nhau xin, nhưng bác Tô Hoài chỉ cười, cất thiên nga vào túi. Lúc xuống xe chia tay ở Hội, ai cũng vội vã ra về, bác Tô Hoài đến bên tôi, dúi cho con thiên nga gói kín trong tờ báo. Những món quà của nhà văn Tô Hoài mà tôi còn giữ (dù đã nhiều lần phải cho đi rất nhiều thứ mà tôi yêu quý), ngoài chú gấu và nàng thiên nga còn có những tập bản thảo viết tay của bác, trang nào trang ấy đầy những hàng chữ nhỏ đều tăm tắp, với rất nhiều chỗ có sửa chữa, thêm bớt bằng bút khác màu. Khi đưa tôi, bác chỉ dặn: - Lúc nào rỗi, cô đọc xem tôi viết vất vả cẩn thận thế nào. Cô thì hình như cứ viết ào ào chả băn khoăn mấy về chi tiết, về câu chữ… Đó là những tập bản thảo “Nhà Chử”, “Quê nhà” “Mười năm”… mà bác viết tay từ lâu lắm rồi. Và tôi đã trân trọng đọc và ghi lại những trang tả người, tả cảnh “rất Tô Hoài” mà tôi rất thích. Tôi cũng còn giữ rất nhiều thư bác viết tay cho tôi khi chúng tôi cùng công tác ở Hội Văn nghệ Hà Nội. Đó là những mẩu giấy có khi bác tiện tay xé từ sổ công tác hoặc  mặt sau của một tờ giấy đã có chữ phía mặt trước. Đôi khi tôi giữ thư của bác Dế Mèn lại chỉ vì khi đọc tôi đã vô cùng cảm động, ví dụ bác viết: “Tôi đang ở Cát Bà. Sáng sớm có người ở huyện vào nói đêm qua đài đưa tin nhà văn Nguyễn Tuân đã mất. Thật không tin được, mặc dù trước khi đi, tôi vừa đến bác, thấy bác yếu chưa bao giờ thế: chỉ nằm mà không thể ngồi dậy uống với mình chỉ một chén. Mình gật gù uống một mình. Bác lại nói câu vẫn thường nói mỗi khi mình đi đâu: “Ừ, còn đi được thì cứ đi”… Không ngờ. Sáng nay 3-8-1987 Nguyễn Tuân đã mất! Một tài năng, tài hoa và một con người nghệ sĩ đầy mâu thuẫn trong người. Không bao giờ còn nữa. Mình đang nghĩ phải viết một cái gì tiễn bác Nguyễn… Một mình mua vài chai bia uống đám ma bác Nguyễn…”. Cuối thư, bác Tô Hoài ghi rõ ngày tháng và nơi đang ở, Chùa Đông - Cát Bà - Hải  Phòng, ngày 3-8-1987.  Một thư khác cũng làm tôi bồi hồi thương cảm: “Cái chân mấy hôm nay đau quá, không viết nổi. Buồn lạ lùng…”. Còn một kỷ niệm nhỏ nữa với nhà văn Tô Hoài cũng đã làm tôi cảm động  khó quên. Đó là lần tôi đi tàu hỏa vào miền Nam một mình. Khi gia đình và bạn bè đưa tiễn đã dừng lại, tôi xách va li đi qua cửa soát vé vào ga chuẩn bị lên tàu bỗng thấy bác Tô Hoài đứng chờ sẵn ở sân. Bác đưa cho tôi một trái táo Nga đỏ tươi, cười: “Ăn ngay đi nhé, không được giữ lâu, nó khô đi đấy”. Thì ra bác đã mua “vé ke” để vào sân ga từ trước. Mặc dù bác đã dặn, nhưng tôi vẫn cứ hít hà trái táo thơm đến mấy ngày, không phải vì hồi đó “táo Tây” là vô cùng hiếm hoi khó kiếm, mà chỉ vì đó là quà tặng của nhà văn lão thành mà tôi yêu quý và trân trọng. Kỷ vật và kỷ niệm của bác Tô Hoài thì nhiều, tôi chỉ xin  kể thêm một chi tiết nữa: Đi nước ngoài về, bác đưa tôi một gói nhỏ, tôi giở ngay ra, là một chiếc khăn quàng. Nhà văn lão thành ồ lên: “Chết cha rồi, tôi mua cái khăn này là để tặng bà Anh Thơ cơ mà, của cô là chiếc đồng hồ cơ! Hôm gặp Anh Thơ ở Hội Nhà văn, tôi thấy cái gói cũng nhỏ như cái này nên đưa nhầm mất rồi. Tôi cười: - Cái khăn này màu… hơi già, nhưng em cũng thích lắm, không sao đâu ạ. Nhà văn lắc đầu: - Không được, tôi phải đổi lại chứ! Cô chưa có đồng hồ, còn Anh Thơ thì có rồi…  Thế là, bác cầm lại chiếc khăn, mấy hôm sau, bác đưa tôi chiếc đồng hồ mà bác đã được tặng trong chuyến đi của mình. Nhà văn Tô Hoài, một người rất chú ý đến chi tiết trong văn chương, trong đời thường, bác cũng để lại cho mọi người những chi tiết thật khó quên.