Phương tiện ngắt kết nối hành trình, liên tục chạy quá tốc độ, cách nào ngăn chặn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phương tiện ngắt kết nối giám sát hành trình nhưng từ cơ quan chức năng đến doanh nghiệp vận tải đều không hay biết, chỉ đến khi xảy ra tai nạn thương tâm, kiểm tra lại dữ liệu mới phát hiện ra thì đã quá muộn.

Giám sát hành trình mới chỉ sử dụng như cuốn nhật ký

Sau một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gần đây, dư luận đặt ra câu hỏi, quản lý thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên phương tiện kinh doanh vận tải bằng cách nào để phát huy hiệu quả, chứ không chỉ là cuốn nhật ký ghi lại hành trình, vận tốc của xe để khi cần thì tra cứu?

Vụ xe khách hợp đồng 16 chỗ gây tai nạn trên quốc lộ 1 qua Lạng Sơn làm 5 người chết, 10 bị thương vào sáng 31/10 vừa qua nguyên nhân ban đầu được xác định do lái xe khách 16 chỗ đã va chạm với xe chở xi măng bị hỏng, đỗ ven đường. Sau đó, chiếc xe mất lái lao sang làn đường ngược lại, đâm trực diện vào chiếc container đang lưu thông.

Qua kiểm tra hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, xe hợp đồng 16 chỗ trên thuộc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xuân Lộc QN. Qua hệ thống quản lý dữ liệu giám sát hành trình, xe khách trên đã ngắt kết nối dữ liệu lúc 4h59 ngày 30/10, cách thời điểm xảy ra vụ TNGT 19 tiếng đồng hồ.

Cũng liên quan đến xe hợp đồng 16 chỗ, rạng sáng 30/9 trên quốc lộ 20 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, xe khách giường nằm của nhà xe Thành Bưởi đã gây ra vụ tai nạn với xe hợp đồng 16 chỗ ngồi làm 5 người chết.

Tại thời điểm xảy ra tai nạn này, cả hai xe khách đều chạy quá tốc độ quy định. Trong khi, đoạn tuyến quốc lộ qua khu vực đông dân cư này chỉ cho phép chạy 50km/h nhưng thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách Thành Bưởi chạy 69km/h,xe hợp đồng 16 chỗ chạy từ 79-89km/h.

Trong vụ tai nạn này, xe hợp đồng 16 chỗ cũng liên tục ngắt giám sát hành trình.

Hiện trường vụ tai nạn làm 5 người chết ở Lạng Sơn, xe hợp đồng 16 chỗ ngắt kết nối hành trình 19 tiếng

Hiện trường vụ tai nạn làm 5 người chết ở Lạng Sơn, xe hợp đồng 16 chỗ ngắt kết nối hành trình 19 tiếng

Theo quy định thông lệ nhiều năm qua, hàng tháng, các Sở GTVT địa phương căn cứ vào dữ liệu GSHT để ra quyết định tước phù hiệu đối với phương tiện của doanh nghiệp vận tải vi phạm các quy định nhiều lần trong 1 tháng như chạy quá tốc độ, lái xe kéo dài hơn thời quan quy định…

Ngày 30/10/2023 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã có quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ thông qua thiết bị GSHT.

Theo đó, thu hồi 794 phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ thông qua trích xuất dữ liệu trên hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT của Cục Đường bộ Việt Nam.

Trong đó, có những tên doanh nghiệp có số phương tiện vi phạm nhiều, số lần vi phạm lớn quen thuộc như HTX ô tô Trường Hải, có những phương tiện xe đầu kéo số lần vi phạm tốc độ đến khó tin như xe đầu kéo BKS 37H-040.56 vi phạm tốc độ đến 1.272 lần trong 1 tháng; hay như xe đầu kéo BKS 37C-351.29 vi phạm tốc độ 1.106 lần/tháng; xe đầu kéo BKS 37C-308.75 vi phạm tốc độ 831 lần/tháng…

Trên địa bàn TP Hà Nội, trung bình mỗi tháng, Sở GTVT Hà Nội thu hồi hàng trăm phù hiệu xe kinh doanh vận tải khách và hàng hóa do các lỗi vi phạm ghi nhận qua thiết bị GSHT.

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị có phương tiện bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu phải nộp lại về Sở GTVT, tuyệt đối không được sử dụng các phương tiện bị thu hồi phù hiệu để tham gia hoạt động kinh doanh vận tải trong thời gian phương tiện bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu.

Tin từ Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm, các Sở GTVT đã thu hồi phù hiệu gần 470.000 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1000 km trở lên. Cơ quan này cũng chấn chỉnh nhắc nhở đối với gần 250.000 phương tiện có vi phạm tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.

Việc kiểm tra dữ liệu GSHT theo kiểu tổng kết 1 tháng, rồi ra quyết định thu hồi phù hiệu hoạt động mà không thêm hình phạt bổ sung nào dường như không đủ sức răn đe với lái xe và doanh nghiệp vận tải. Bằng chứng là thống kê cho thấy, HTX ô tô Trường Hải tháng nào cũng có hàng chục phương tiện bị Sở GTVT Hà Nội thu hồi phù hiệu do vi phạm tốc độ dày đặc nhưng vẫn tái phạm đều?.

Câu hỏi đặt ra, việc thu hồi phù hiệu kinh doanh đối với phương tiện căn cứ trên dữ liệu GSHT sau 1 tháng có hiệu quả, có nên thay đổi?

Vụ tai nạn giữa nhà xe Thành Bưởi và xe hợp đồng 16 chỗ, trong đó 2 xe cùng chạy quá tốc độ

Vụ tai nạn giữa nhà xe Thành Bưởi và xe hợp đồng 16 chỗ, trong đó 2 xe cùng chạy quá tốc độ

Thu hồi phù hiệu, quản lý xe vi phạm còn lỏng lẻo

Ngày 10/10, tại cuộc họp sơ kết 9 tháng về tình hình trật tự ATGT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đặt vấn đề, vụ TNGT tại Đồng Nai vừa rồi cho thấy nhiều bất cập. Xe khách của nhà xe Thành Bưởi vi phạm và bị tước phù hiệu tới 246 lần. Vậy, việc tước phù hiệu đó có hiệu lực thực sự không? Nếu chưa đủ hiệu lực thì phải rà soát và có quy định mạnh hơn.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy định thu hồi phù hiệu không có tính răn đe với doanh nghiệp có xe vi phạm tốc độ.

Nguyên nhân, theo ông Quyền do không quy định thời gian, thời hạn thu hồi nên doanh nghiệp có xe vi phạm có thể chuyển loại hình kinh doanh để xin cấp lại phù hiệu.

Hơn nữa, xe vi phạm tốc độ cũng chỉ bị thu hồi phù hiệu 1-2 tháng. Trường hợp doanh nghiệp, cá nhân có xe vi phạm không nộp phù hiệu cũng chưa có chế tài. Đơn cử như mới đây, xe hợp đồng 16 chỗ liên quan vụ tai nạn ở Đồng Nai cho thấy, phương tiện đã bị thu hồi phù hiệu nhiều tháng nhưng không nộp và vẫn tiếp tục sử dụng.

"Tuy có quy định nhưng do chế tài xử lý không nghiêm, không đủ tính răn đe nên mới có tình trạng nhiều xe vi phạm cả nghìn lần trong 1 tháng. Sau đó lại chạy ngoài đường bình thường, thậm chí vẫn xin cấp lại phù hiệu để hoạt động", ông Quyền nói.

Đó còn chưa kể, liệu doanh nghiệp có cố tình đưa những phương tiện đã bị thu hồi phù hiệu vào hoạt động hay không cũng rất khó kiểm soát? Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường cũng không thể giám sát được hết các trường hợp này.

Hơn nữa, việc lái xe cố tình chạy quá tốc độ, ngắt kết nối giám sát hành trình kéo dài nhiều giờ đồng hồ, doanh nghiệp có biết không? Và khi biết thì đã có động thái gì để can thiệp? Theo đánh giá của ông Quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp quy định trong vấn đề này chưa rõ ràng và cũng chưa đủ sức ràng buộc!