Liên minh chống trừng phạt chống lại Moskva đang rất lo ngại viễn cảnh dầu của Nga bị rút khỏi thị trường toàn cầu, khi lĩnh vực này vốn thuộc quyền tài phán của phương Tây.
Thực trạng trên nếu xảy ra sẽ gây mất ổn định, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, khiến xăng dầu tăng giá trên toàn thế giới.
Như đã biết, mục tiêu biện pháp áp đặt trần giá mà G7 đưa ra chính là để duy trì sự hiện diện của nguyên liệu thô từ Nga dưới sự kiểm soát chặt chẽ chứ không phải cấm đoán hoàn toàn, hay để lọt ngoài tầm kiểm soát của họ.
Tuy nhiên các lệnh trừng phạt mới nhất từ Washington và London đã dẫn đến hiệu ứng không mong muốn: Dầu mỏ của Nga gần như “rời xa” hoàn toàn các tàu chở dầu thuộc kiểm soát của phương Tây.
Ví dụ, các công ty vận tải biển Hy Lạp vốn sở hữu phần lớn đội tàu chở dầu trên toàn thế giới, hiện đã ngừng vận chuyển nguyên liệu thô của Nga thuộc diện bị trừng phạt.
Kết quả sau nhiều tháng nỗ lực của Mỹ và Anh, mức giá trần 60 USD/thùng vẫn không được tôn trọng, dầu mỏ đang tuột khỏi bàn tay kiểm soát của liên minh phương Tây và hoàn toàn "chìm vào bóng tối".
Bất chấp việc đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn vận tải biển Sovcomflot hàng đầu của Nga cũng như các chủ tàu mà phương Tây gọi là "hạm đội bóng tối", các nhà sản xuất Nga vẫn không sử dụng dịch vụ được cung cấp các tàu chở dầu mà EU kiểm soát.
Hiện tại 10 công ty lớn nhất ở Hy Lạp vận hành 368 tàu chở dầu. Tuy nhiên dữ liệu từ hệ thống theo dõi tàu biển tự động, hiện chỉ có 22 tàu đang trên tuyến vận chuyển nguyên liệu thô của Nga. Trong số này, chỉ có 15 tàu chở dầu trực tiếp.
Con số thống kê nói trên khác biệt đáng kể so với số liệu của tháng 6 năm ngoái. Vào thời điểm đó, ít nhất 80 tàu của các công ty Hy Lạp đã vận chuyển nguyên liệu thô từ Nga.
Nói cách khác, phương Tây đã không thể thực thi biện pháp áp đặt trần giá, hơn nữa không thể đẩy dầu thô của Nga trở lại tàu chở dầu châu Âu để dễ kiểm soát, từ đó thậm chí còn tước đi nguồn thu nhập khổng lồ của các đồng minh.
Tất nhiên, việc khách hàng Nga giảm sử dụng đội tàu nước ngoài không có nghĩa là xuất khẩu dầu thô của Moskva suy giảm. Tuần này hãng tin Bloomberg cho biết, xuất khẩu dầu thô của Nga đã trở lại mức của tháng 10 năm ngoái, đạt 3,7 triệu thùng mỗi ngày.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nga chỉ ra rằng giá trung bình của dầu Ural Nga tiếp tục duy trì trên mức trần của phương Tây, bất chấp mọi hạn chế cũ và mới từ Washington.
Tuy vậy Nga vẫn còn một trở ngại cần vượt qua, đó là hợp đồng bán dầu cho một khách hàng rất lớn như Ấn Độ chỉ nhận được khoản thanh toán bằng đồng rupee có rất ít giá trị chuyển đổi, do vậy chúng bị "mắc kẹt" tại những ngân hàng địa phương.
Nếu các khách hàng còn lại của Nga vẫn chọn hình thức thanh toán bằng đồng nội tệ như trên, lợi nhuận thực tế từ hoạt động xuất khẩu dầu thô đối với Moskva sẽ ở mức vô cùng thấp.